Muôn Kiếp Nhân Sinh – Nguyên Phong

Review Muôn Kiếp Nhân Sinh – Nguyên Phong

Biết đến Nguyên Phong từ cuốn “Hành trình về phương Đông”, ngày đấy đọc thấy thích lắm, nói những điều lạ lẫm chưa từng biết. Tới bây giờ thấy “Muôn kiếp nhân sinh” nổi lên, như thể đang rất hot vậy, nhiều người bàn tán, nhiều người tìm đọc, nhưng thực sự đọng lại về tác giả là những gì đã rất nhạt nhòa rồi. Đề tài luân hồi cũng được bàn rất nhiều, đích thực có luân hồi hay không? Thái độ sống nên như thế nào? Tới giờ thực sự chẳng quan trọng nữa, khi nhân sinh vốn ngắn ngủi, niềm vui và an lạc mới trân quý, nếu vì sợ hãi kiếp sau thành thế này thế kia mà kiếp này sống dè dặt, làm gì cũng phải để ý, thiết tưởng kiếp sống thực này chẳng có giá trị bằng kiếp sống sau mà chưa rõ nó có tồn tại hay không.
Nguyên Phong tên thật là Vũ Văn Du, thường được biết dưới tên John Vũ sinh năm 1950 tại Hà Nội. Ông rời Việt Nam du học ở Hoa Kỳ từ năm 1968 và tốt nghiệp cao học ở hai ngành Sinh vật học và Điện toán. Công việc chính là một kỹ sư cao cấp tại Boeing trong hơn 20 năm, ông cũng nghiên cứu trong vai trò nhà khoa học tại Đại học Carnergie Mellon và Đại học Seattle. Ông còn là 1 dịch giả, 1 tác giả, và sách ông viết thường hay phóng tác, 1 dạng như dã sử hoặc ngụ ngôn, cốt để lấy ý. Bài học muốn truyền tải là tình yêu thương, thuyết nhân quả, sự luân hồi, con người sống nhiều kiếp, có kiếp làm người, có kiếp thì chẳng phải người. Kiếp này mà sống lỗi là kiếp sau khả năng làm người là cực nhỏ, còn tu hành cho khéo, thoát khỏi vòng sinh tử luân hồi, linh hồn sẽ vào thế giới toàn những tốt lành. Về cơ bản thì bài học mang tính nhân văn, thuyết nhân quả chắc chắn là đúng, theo cảm nhận cá nhân, mọi sự trên đời đều có nguyên nhân của nó. Nhưng nó có cả phần đe dọa, mà dọa nhiều thì mất vui. Những quy luật thành – trụ – hoại – diệt mà tác giả nói tới cũng là nền tảng của Phật giáo, và điều này cũng không mới, tư tưởng trong Kinh Dịch cũng nhiều nét tương đồng, cái gì cũng có chu kỳ của nó “ vật cùng tất biến”.
Cuốn sách lần này là thuật lại chuyện của doanh nhân giấu tên nào đó, người có các trải nghiệm về các kiếp sống của mình, lúc thì ở châu Atlantic, lúc thì là Pharaoh, còn hiện tại là doanh nhân thành đạt, mỗi kiếp là mỗi lần học những bài học để phát triển tình thương, hướng về cái toàn thiện. Nghe thì có vẻ ra gì, nhưng mấy bài học xưa cũ, kể đi kể lại mãi cũng nhàm. Châu Atlantic được tác giả kéo từ Hành trình về phương Đông qua đây, hầu như ông nào cũng từng thác sinh tại đó vậy. Rồi nói về nguồn gốc của mỗi thuyết, mỗi giáo ở khắp lên trên thế giới, từ Ấn Độ, Tây Tạng, Trung Hoa… nhưng kể đi kể lại cũng chẳng thấy kể thêm gì về các vùng khác cả, chỉ nhắc nhiều tới Ấn Độ. Trung Hoa thì gọi tên cho có chứ chẳng dẫn chứng gì. Trước Atlantic là gì? Có tư liệu gì không? Chẳng ai rõ. Có vẻ tác giả khoái Atlantic, vì Atlantic được Platon kể lại, hiện tại chưa phát hiện nhiều bằng chứng về Atlantic, nhưng khả năng khá cao là nó tồn tại. Giống như thành Troy, được Homer kể lại trong tập trường ca của mình, người ta vẫn nghĩ nó chỉ là thứ do tác giả tưởng tượng ra cho tới khi Heinrich Schliemann khai quật được. Thế giới còn biết bao bí ẩn nữa? Mỗi bí ẩn lại có thể suy nghĩ theo 1 chiều hướng bất kì, khi mà thực nghiệm nằm ngoài tầm với thì điều gì cũng có thể đúng.
Tác phẩm này dành cho những người chưa có nhiều hiểu biết về tôn giáo, tâm linh đọc chơi chơi, coi như cũng gieo chút mầm thiện, để người đọc sống chậm lại chút, thiện tâm hơn chút, nhưng bảo là rút ra gì cao siêu kì diệu, hay là “nhân sinh” thì còn xa lắm. Về cơ bản thì những dẫn chứng đưa ra là những dẫn chứng khó kiểm nghiệm, nhưng kiểm nghiệm hay thực nghiệm là vấn đề của khoa học, đức tin thì không cần. Nó đưa người đọc hay những người muốn phản biện vào thế rất khó, vì tin hay không là do mỗi người tự quyết. Cá nhân tôi cũng không tin gì lắm vào học thuyết tiến hóa của Darwin, còn quá nhiều thiếu sót, nhưng cũng có rất nhiều bằng chứng ủng hộ, để gạt bỏ nó hoàn toàn cũng không dễ. Chỉ là theo cảm quan, tạm coi thuyết Big Bang là đúng, vũ trụ cỡ 13,6 tỉ năm tuổi, trái đất khá non trẻ cũng được 4,5 tỉ năm, suốt thời gian dài đằng đẵng này chỉ hoàn toàn là sự hình thành của các dạng sống, được biến đổi từ năng lượng của vụ nổ lớn sao? Chưa kể ngày nay giới vật lý lý thuyết đang cố hoàn thiện thuyết M, dù có thiếu sót những đã vẽ ra những viễn cảnh hết sức lạ lùng về vũ trụ, nó vốn chỉ là các màng, va chạm với nhau, không có bắt đầu cũng chẳng có kết thúc. Nếu chỉ vì không tin vào thuyết tiến hóa mà phải tin thẳng vào thuyết luân hồi thì thấy có gợn vô cùng, 2 thuyết hoàn toàn có thể hòa thành 1, nhưng nói thế thì cũng có thể nói chẳng có thuyết nào đúng cả. Tới lúc này thì cái gì cũng có nghĩa mà cũng đều vô nghĩa. Cuốn sách dùng những luận điểm này cũng chẳng có giá trị gì.
Con người do bị hạn chế về mặt giác quan, nên hoàn toàn dựa theo thực nghiệm thì đúng là rất không ổn. Nếu buộc phải tai nghe mắt thấy mới tin, thì âm thanh của cá Heo, những bài hát của cá Voi, ánh sáng tử ngoại… tất cả đều là những thứ không đáng tin cho tới khi các thiết bị đo được những tín hiệu đó ra đời. Những thiết bị đó mở rộng giác quan của con người, nhưng vẫn rất hữu hạn, kính hiển vi giúp mắt người thấy được các vi sinh vật, nhưng tới cấp độ nguyên tử là quan sát không nổi, thế giới hạ nguyên tử thì hoàn toàn lạ lẫm ở 50 năm trước. Những máy gia tốc hạt ra đời, nguyên tử bị bắn phá rồi người ta há hốc khi thấy bên dưới nguyên tử là 1 đống các hạt loằng ngoằng, quark, neutrino.. mỗi hạt lại xoay với quỹ đạo loạn lên, khiến người ta có cảm giác khoa học và thiết bị dẫu phát triển tới đâu, dùng thực nghiệm để phán xét mọi thức đúng hay sai thế nào là thiếu sót biết bao. Vật lý lý thuyết ra đời như sự thỏa hiệp của khoa học và triết học, các nhà khoa học đều không ưa nói mà không có bằng chứng, nhưng giờ buộc phải vậy. Họ dựa vào ngôn ngữ thuần khiết nhất là toán học, để đưa ra các thuyết mới, bám víu vào đó để coi là khoa học. Thay vì diễn giải mọi thứ bằng sự khải huyền giống các thầy tu, lựa chọn của vật lý lý thuyết là các phương trình toán học. Khi mọi thứ đến độ như này thì tranh cãi đúng sai, niềm tin trở thành một đề tài hóc búa, chẳng có người thắng kẻ thua. Nhưng nếu tác giả cuốn sách cứ dựa mãi vào sự hạn chế của giác quan, về sự vô thường của đúng sai, sự khó kiểm nghiểm thực tế đưa tới cho người đọc một mớ lý thuyết suông, và những câu chuyện chẳng biết hoang đường hay có thật, rồi phó mặc cho người đọc rằng chỉ phù hợp cho những ai có đức tin, thì cuốn sách khá sáo rỗng. Thừa nhận rằng khoa học còn rất nhiều thiếu sót, hạn chế cả về thiết bị và lý thuyết, nhưng khoa học tự thân giống như 1 đứa trẻ luôn muốn hiểu biết hơn, và cũng không quá ngu ngốc để tin vào mọi thứ mà nó chưa thể nào kiểm nghiệm.
Cuộc cách mạng đối với loài người hiện đại chẳng phải là từ cơ khí hóa hay internet, nó bắt đầu từ khi con người dám nghi ngờ mọi thứ chưa rõ ràng, nó đòi những bằng chứng đi kèm, gián tiếp hoặc trực tiếp. Bắt đầu từ phong trào Phục Hưng, có những người như Copernicus, Galileo.. không còn tin vào những gì nhà thờ cung cấp, cho tới những con người tò mò như Da Vinci quật cả mả người để có thêm kiến thức về giải phẫu xác thực. Sự tò mò, thái độ nghi ngờ như một sự báng bổ, đức tin bị lung lay, là những kẻ đáng đuổi khỏi vườn địa đàng vì dám nghe lời con rắn gian xảo. Nhưng chẳng ai rõ hiện tại loài người đang ở đâu nếu thiếu đi sự can đảm dám nghi ngờ đó. Có thể chúng ta đang ở thế giới hạnh phúc hơn cũng có thể tăm tối hơn rất nhiều? Cho tới thời đại nhiễu loạn thông tin như này, con người chẳng biết nên tin vào gì, không nên tin vào gì. Đức tin đặt sai chỗ sẽ rất giống mê muội, nhưng nghi ngờ mọi thứ, không tin vào mọi thứ thì chúng ta chỉ là những loại cố chấp, “mind” không được “open”, nghe kém sang lắm. Làm người thật là khó, nhưng đã bao giờ mà làm người lại dễ đâu? Khoa học dần khiêm tốn hơn, chấp nhận rất nhiều thứ ngoài tầm với, cứ từng bước cố gắng để kiểm nghiệm, và tăng kiến thức dần dần. Những gì chưa thể thực nghiệm thì đặt dấu hỏi ở đó, không tin luôn mà cũng không phủ nhận, đợi một ngày thiết bị đủ tốt, lý thuyết đủ vững mạnh thì xác định rõ ràng sau. Thiết nghĩ hiện tại đó vẫn là ngọn đèn soi đường phù hợp nhất cho người hiện đại. Với những bậc đã tìm được an lạc trong tâm hồn, đủ “tri túc” và “trí huệ” thì họ tự rọi đèn soi bên trong, tìm kiếm bên trong mình, những bậc chân sư, những minh triết, đều đã tự biết mình. Chỉ là đâu phải ai cũng có khả năng đó, “level” thấp hơn đành phải sử dụng những công cụ kém hơn vậy.
Nếu có thời gian thì hãy đọc thẳng những học thuyết của các triết gia cổ đại Hy Lạp như Zeno, Platon, hay Trung Hoa như Lão-Trang, Ấn Độ như Thích Ca, Do Thái như Jesu còn hơn đọc và bâng khuâng trong cảm xúc nông nông, hời hợt như vậy.
Đánh giá sách không tệ, chắc chắn có ích cho một số người đọc nhất định, cuộc sống hay suy nghĩ của họ thay đổi, thấy nhẹ nhàng hơn, tốt đẹp hơn. Có điều nếu đã đọc những triết gia hay tư tưởng các tôn giáo thì có thể bỏ qua cuốn này, chẳng cần đụng tới.
Chấm cuốn sách 2*, do câu chuyện cũng dùng mô tuýp cũ, kiểu “base on true story” nhưng “true story” này lại giấu hết cả tên, chẳng ai kiểm nghiệm nổi. Thà để quách là dạng chuyện phóng tác rẻ tiền như “Nhà giả kim” cho rồi. Chưa nói tới cách kể chuyện và hành văn cũng chẳng có gì đặc sắc hay hấp dẫn, cuốn hút.
*Nguồn: FB Lữ Đoàn Đỏ*

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *