BỘ PHIM BẠN ĐANG XEM CÓ ĐIỂM NÀO TƯƠNG ĐỒNG VỚI CUỐN SÁCH BẠN ĐANG ĐỌC KHÔNG?
Mình đang xem “30 chưa phải là hết”. Tình cờ làm sao, diễn biến tâm lý nhân vật trong phim có nhiều điểm rất tương đồng với cuốn sách “Nhạy cảm trong tình yêu – Thăng hoa hay bi kịch” mà mình đang đọc. Và mình thích cả 2.
Bạn có nhớ cô gái ở những tập đầu, cả ngày cười hihi, haha, Chung Hiểu Cần không? Nhìn thì có vẻ vô lo vô nghĩ nhưng thực ra Hiểu Cần lại mang khá nhiều tính cách của người nhạy cảm. Vì sợ mắc lỗi, sợ làm người khác phiền lòng mà luôn nghe theo người khác, lâu dần quên mất cả chủ kiến của bản thân. Tính cách có phần trẻ con, dễ khóc, dễ cười, dễ cảm động vì những điều nhỏ nhặt, đến cả cách tức giận và làm loạn… cũng là đặc điểm của người nhạy cảm (những người sinh ra vốn đã có những xúc cảm mãnh liệt hơn người khác). Cô ấy cần những cuộc trò chuyện sâu sắc cũng giống nhu cầu giao tiếp của người nhạy cảm đối với bạn đời của mình vậy và thường thì nhu cầu ấy sẽ không được đáp ứng, nên sẽ thấy rằng người chồng vô tâm. Người nhạy cảm thường có khả năng cảm nhận nghệ thuật tinh tế, điều này cũng phù hợp với tình tiết Chung Hiểu Cần thích vẽ tranh và sau cùng trở thành nhà văn (mang một chút dáng dấp của biên kịch, ghi chép lại những câu chuyện đời của bộ phim). Cũng chính bởi quy trình xử lý thông tin sâu của người nhạy cảm mà người khác thường nghĩ cô ấy hay do dự, thiếu quyết đoán.
Chung Hiểu Cần kết hôn với Trần Dữ – một người mang kiểu gắn bó né tránh khá đặc trưng. Theo thuyết gắn bó được nhắc tới trong sách thì con người chúng ta được chia thành 4 kiểu gắn bó: gắn bó an toàn, gắn bó lo âu, gắn bó né tránh và kiểu gắn bó kết hợp giữa người lo âu và né tránh. Kiểu gắn bó của mỗi người được hình thành từ hoàn cảnh sống của thời thơ ấu và chịu một phần tác động bởi quá trình chúng ta trưởng thành. Thời thơ ấu không êm ấm, thiếu thốn tình thương đã tạo nên một Trần Dữ mang kiểu gắn bó né tránh. Những người mang kiểu gắn bó này không phải không yêu người bạn đời của mình nhưng lại vô tình khiến người ấy tổn thương bởi sự lạnh nhạt. Trần Dữ không biết cách biểu đạt tình cảm, không biết chia sẻ, không biết giá trị duy trì một mối quan hệ của sự giao tiếp,… và anh luôn né tránh những cuộc xung đột, cãi vã bằng sự im lặng hoặc bỏ đi….
Khi Chung Hiểu cần nhìn thấy gia đình Cố Gia, sự tương tác của một cặp đôi mang kiểu gắn bó an toàn khiến cô nhận ra mối quan hệ của mình có vấn đề. Tất nhiên, ly hôn là một điều tất yếu xảy ra với cặp đôi này. Ly hôn để một người nhạy cảm như Hiểu Cần hiểu rõ bản thân mình hơn, trưởng thành hơn và một người né tránh như Trần Dữ biết mình cần thay đổi, biết trân trọng hơn người bên cạnh mình. Và cũng tất nhiên là chỉ có trong phim thì sự thay đổi mới diễn ra dễ dàng như thế, để hai người có thể hiểu nhau hơn và yêu lại từ đầu. Còn ở ngoài đời thực thì sự thay đổi sẽ khó khăn hơn rất rất nhiều.
Phần sau của phim thì có lẽ gia đình Cố Gia được chú ý nhiều hơn. Tại sao lấy được một người vợ hoàn hảo như Cố Gia rồi mà anh chồng vẫn ngoại tình ư? Mình thì thấy diễn biến tâm lý này vô cùng hợp lý.
Bạn biết không, nhu cầu của phái mạnh là được công nhận, được ngưỡng mộ, được tin tưởng (vào khả năng giải quyết vấn đề của anh ấy) và được là người chở che. Là đàn ông, bất kỳ ai cũng cần được thoả mãn những nhu cầu này, huống hồ gì Hứa Huyễn Sơn còn là dân nghệ sĩ thường mang “cái tôi” cao ngút trời. Có một người vợ hoàn hảo như Cố Gia, liệu anh ấy có được đáp ứng những nhu cầu: được công nhận, ngưỡng mộ, tin tưởng ấy không? Không! Anh ta cảm thấy mình kém cỏi, rất mệt mỏi và áp lực.
Tới khi gặp em Tuesday, một em gái mới lớn, bước vào đời với trái tim hừng hực và ngây dại, sùng bái mình, Hứa Huyễn Sơn được đáp ứng tất cả nhu cầu mà đàn ông cần. Bản lĩnh không đủ lớn để thắng được cám dỗ. Vậy là ngoại tình thôi!
Còn Vương Mạn Ni, có lẽ là cô gái mà rất nhiều người tìm thấy bản thân mình trong đó.
Phim hay thực sự! Sách cũng rất hay các bạn ạ!