30 năm nữa VN mới đuổi kịp Mông Cổ

1. Tôi hỏi 100 người, thì đến 97 người bảo: Mông Cổ ấy à? nghèo lắm hả?

Sai. Khái niệm về một nước Mông Cổ nghèo khó ngự trị trong đầu óc dân Việt Nam từ xa thời cùng phe XHCN. Nhà văn Tô Đức Chiêu bảo tôi: “Tao đã đi Mỹ, Ai Cập, Ả rập xê út, Nga và Đông Âu, không kể châu Á như Tàu, Thái… Tức là gần hết thế giới, nhưng khi đi Mông Cổ, mới thấy mình khám phá ra một thế giới mới, nếu có dịp, tao đi 2 -3 lần nữa”.

Tôi thấy thế nên cũng đú theo, đi Mông Cổ một chuyến.

Mở ngoặc ngay là, khi anh (du lịch) đến đâu, anh phải tự vấn ta đến đấy để làm gì, muốn biết gì. Nói chung là nên đi phượt. Tôi có bài học kinh nghiệm về việc này, có 1 cậu trẻ đi cùng đến thảo nguyên Mông Cổ, cậu thốt lên chán nản: Ơ, đâu cũng như đâu, mênh mông cả, chả thấy cái gì. Vấn đề là cái gì?

Sau chuyến đi Mông Cổ, tôi rút ra kết luận, 30 năm nữa (hoặc hơn) không biết Việt Nam mình có đuổi kịp Mông Cổ hay không?

Mông Cổ diện tích gấp hơn 6 lần nước Việt Nam, dân số hơn 3 triệu người (bằng 1/2 Hà Nội). Mà 1/2 dân số ở thủ đô Ulan Bato. Hãy tưởng tượng hơn 1 triệu người ở rải rác trên lãnh thổ gấp 6 lần Việt Nam.

Mông Cổ có đặc biệt là có biên giới với Nga và Trung Quốc. Họ bị kẹp giữa 2 nước lớn, nên phải chọn 1, lịch sử đã chứng tỏ họ chọn đúng, chọn nước Nga để tránh nước Tàu kẻ thù. Chính chính phủ Quốc dân đảng của Tưởng Giới Thạch khuất phục trước chính phủ Stalin, mà công nhận Mông Cổ độc lập. Chuyện này chính phủ Mao cay cú ra mặt, công khai gọi Mông Cổ là Ngoại Mông, còn phần lãnh thổ Mông Cổ bị mất từ thời Nguyên triều, thì TQ gọi là Nội Mông (họ vẫn nhận đó là nước họ). Cấp độ cay cú ăn thua và nhòm ngó còn hơn một bậc so với Việt. Người TQ chưa gọi Quảng Đông là Nội Việt, mặc dù vẫn dùng từ Việt gọi Quảng, Việt ngữ là tiếng Quảng, họ chưa gọi Việt Nam là Ngoại Việt. Nói thế để biết mức độ nguy hiểm chênh vênh của con ngựa Mông Cổ trước con sói Trung Quốc.

Ở Mông Cổ, tôi được nghe câu chuyện tiếu lâm. Một người Mông Cổ gặp một người Nhật. Người Nhật cám ơn người Mông, vì bài học của Nguyên triều, nên nước Nhật quyết định không chiếm Trung Quốc nữa. Nếu chiếm nó, có lẽ nước Nhật đã thành Trung Quốc rồi. Đó là một câu chuyện tiếu lâm cay đắng mà không thể cười.

Ân oán giang hồ với người Tàu thì rất nhiều. Chỉ kể 1 chuyện. Các công ty xây dựng ở Ulan Bato, và nói chung các công ty khác cần nhân công, thì đều thuê nhân công TQ, vì người TQ sinh sôi như cỏ dại, ở đâu họ cũng mò đến. Nên các công ty có quy định, chỉ được thuê dưới 6 tháng, mà trong 1 năm không được thuê quá 1 lần. Nên người làm thuê phải đi về TQ ngay. Cảnh sát Ulan Bato rất dễ dãi với người Việt sinh sống ở thủ đô của họ, hình như có 7000 người, còn riêng người TQ thì phải thống kê rất cụ thể. Người bạn Mông Cổ nói với tôi: Việc lớn nhất của cảnh sát là đuổi người Trung Quốc hết hạn cư trú. Đúng vậy, họ không có tình trạng kẹt xe, không có tệ nạn nhiều, việc chính là không để lọt một cái trứng tu hú. Chuyện này 30 hay 50 năm nữa, Việt Nam cóc làm được, mà cũng chả làm.

2.

Nhìn trên phim ảnh, thấy thảo nguyên là những dải đất trùng điệp, cây cỏ lưa thưa, nếu chỉ có thế, chưa biết gì về thảo nguyên Mông Cổ cả. Hồi tôi đi tầm tháng 7 dương lịch, là tháng đã hết cỏ rậm. Cỏ rậm thì đến ống chân, đến đầu gối, còn khi chuẩn bị vào đông, cỏ bị đám gia súc gặm gần hết. Chỉ còn cỏ thấp và cỏ tái sinh.

Nói từ “cỏ” với người Việt, cũng không ổn. Cỏ của Việt Nam là thứ chả để làm gì. Điều này lỗi ở các nhà làm ngôn ngữ khoa học, địa lý. Đáng lý nên dùng từ “thảo mộc thân mềm” hay cái gì đó khác với “cỏ”. Cúi nhìn xuống, hàng trăm hàng nghìn loài cây gọi là cỏ rất khác nhau, riêng hình lá cũng thiên hình vạn trạng. Nếu vò vài cái lá rồi đưa lên mũi, sẽ thấy nhiều mùi vị rất khác. Mùi thơm thoang thoảng, mùi hắc, mùi nồng… Thực sự đó là một thế giới cây thuốc và loại cây như rau thơm ở VN, chứ không phải cây cỏ thông thường. Gia súc Mông Cổ từ hàng nghìn năm nay ăn thứ cỏ đó. Sau khi đi thảo nguyên, tôi mới lý giải được việc ở Mông Cổ, người ta ăn rất ít rau, ăn rất nhiều thịt, ngay cả người Việt ở xứ ăn rau, đến Mông Cổ ăn toàn thịt, mà tiêu hóa bình thường, không bị táo bón. Bởi vì lũ gia súc ăn thứ cỏ thiên nhiên hoang dã bổ béo thơm lừng như hàng nghìn năm nay nó vẫn ăn. Không như gia súc ở nơi nuôi công nghiệp.

Mông Cổ ngày nay vẫn du mục và người ta tự hào vì nếp sống du mục này. Ông Chủ tịch Hội Hữu nghị Mông -Việt nói tiếng Việt sõi như người Việt, bảo tôi, rất may là thảm họa tập thể hóa, định canh định cư xảy ra rất nhanh, rồi thảo nguyên lại có sức sống quay lại nếp xưa.

Nếu ai đã đọc Tô-tem sói, của một nhà văn Trung Quốc (quyển này vang dội một thời trên văn đàn TQ) thì biết thảo nguyên Nội Mông đã bị tàn phá kinh khủng như thế nào. Họ dồn nén dân du mục vào hợp tác, triệt phá cách sinh hoạt truyền thống, mang hàng sư đoàn quân đội bắn sói. Sói là vật thờ của người Nội Mông, khi người chết, người ta kéo xác cha mẹ để ra một chỗ cho sói ăn. Người TQ Mao-ít bắn sói, thế là thỏ làm giặc, lại giết thỏ, lạc vào cái vòng quẩn, rồi đưa người Hán đến sinh sống, khiến thảo nguyên Nội Mông bị tiêu diệt. Trong quyển sách ấy, tác giả cũng nói, nhìn sang Ngoại Mông xanh tươi mà tiếc…

Nhìn thảo nguyên thì mênh mông, nhưng hoang dã hàng trăm thứ thú hoang vẫn ngày đêm sinh sống, tuân thủ cân bằng sinh thái của nó. Người Mông Cổ ngày nay có xe ô tô tải, có điện thoại di động, kéo theo cái nhà, và đàn gia súc, đi lang bạt trên thảo nguyên theo nhu cầu của gia súc. Thảo nguyên mênh mông, mình nhìn đâu cũng như đâu, nhưng chúng tôi đã được một chú bé 12 tuổi đưa từ thị trấn, đi xuyên 25 km đến đúng chỗ lều của bố mẹ chú bé. Hôm đi thảo nguyên, chúng tôi được đón tiếp Chủ tịch huyện đến chơi, cũng vì biết có khách Việt. Ông nói huyện ông có gần 80 hộ, diện tích huyện, khi đó làm phép so sánh, gần bằng tỉnh Hưng Yên cộng với Thái Bình. Chủ tịch huyện biết cả 80 hộ luôn. Quy định của họ chăn thả không giới hạn, nên có lúc có hộ gia đình chăn thả ở huyện khác (miễn là đăng ký vẫn ở huyện này). Chủ tịch người Đảng Dân chủ, alo gọi đồng chí Bí thư huyện ủy Đảng Nhân dân (đảng cộng sản cũ) thì đồng chí đang chăn ngựa, bèn cưỡi ngựa về. Bí thư huyện ủy đảng nào cũng làm nông dân cả và chả chức vụ gì, cười hề hề đúng là ông chăn ngựa. Riêng chuyện này, 50 năm nữa Việt Nam có theo kịp không?

3.

Người Mông Cổ có một niềm hãnh diện đã mất, đó là đã từng bá chủ thế giới, và còn một niềm kiêu hãnh vẫn còn, đó là sữa ngựa.

Thế giới văn minh và ở các nước phát triển có chỉ tiêu bao nhiêu lít sữa bò cho đầu người, thứ sữa đó người Mông Cổ chỉ làm lương khô, làm nguyên liệu chế biến, vì họ uống sữa ngựa. Hình như chỉ Mông Cổ dùng sữa ngựa làm thực phẩm chính yếu. Nó là nguồn gốc sức mạnh của các chiến binh từ xưa, và khiến người MC cao lớn.

Ngựa là gia súc chủ yếu ở thảo nguyên. Một hộ thường có vài trăm đến vài ngàn ngựa, thêm cừu và dê. Bao giờ cừu cũng đi kèm dê. Mùa đông cừu nằm trên giữ ấm cho dê moi cỏ chia nhau. Không có cừu dê chết rét, không có dê cừu chết đói. Kiểu chăn thả thiên nhiên ấy khác xa nông trại hiện đại. Kiểu vắt sữa ngựa cũng khác vắt sữa bò. Vì khi vắt sữa, luôn luôn có con ngựa con đứng cạnh. Người MC tôn thờ ngựa vì cả đức tính này, không buông tuồng vô cảm như bò, cứ vắt là ra sữa bất kể thế nào. Sữa ngựa làm bia, làm thức uống, nên con ngựa là đầu cơ nghiệp. Bò chỉ là loại thêm. Bò MC (Mông Cổ) lông dài như voi mamut. Bây giờ cũng thoái giống, người MC buồn vì bò lông ngắn, còn gì là bò nữa.

Gia súc nuôi, thịt là thứ phẩm. Chính phẩm là lấy lông và da. Len MC đắt kinh khủng. Hình như hàng lông da là chủ lực xuất khẩu.

Cái lều Mông Cổ thật sự là một thứ thú vị. Cứ nói “lều” thì khó hình dung, đến mới thấy đó là cái biệt thự giữa thảo nguyên. Bây giờ lều có nhiều loại, từ 300 đến 30.000 đô Mỹ. Người TQ quá khôn, họ làm lều bán cho người Mông Cổ.

Trong cái lều Mông, tài nhất là cái bếp ở chính tâm nhà, tâm vòng tròn. Chất đốt bằng phân gia súc, thông hơi làm nhiệm vụ trụ chống giữa. Vào lều không nhận ra có bếp.

Người nông dân du mục cũng có vấn đề nan giải, đó là sinh ra và nuôi dạy trẻ. Du mục xa trung tâm thị trấn, nên nếu đẻ bất thường thì cấp cứu rất khó. Khi con 6 tuổi, phải cho nó đi học, thì nhà mất 1 người thường là mẹ hay chị lớn phải đưa lên thị trấn làm 1 cái lều ở nuôi con 1-2 năm mới yên tâm gửi con học nội trú. Ở các thị trấn thị tứ cứ thấy các cụm lều, đó là những người đi nuôi con học. Vì vậy, mà nhà nghèo hoặc quan điểm cũ chỉ cần đọc chữ, trẻ thất học.

Hình như chính việc hiếm người mà du mục có truyền thống quý người. Phụ nữ đẻ con là quý, con ai không quan trọng. Mấy ông Mông Cổ bảo, cộng đồng du mục có lệ, khách quý cao tuổi thì chủ nhà mời đầu dê. Thịt con dê, cái đầu là quý nhất. Còn khách trẻ và trung niên thì chủ nhà bảo con gái sưởi ấm cả đêm. Tôi không ở qua đêm ở thảo nguyên, nhưng nghe kể lại, các nhà văn Trần Nhương, Tô Đức Chiêu, Thúy Toàn có ngủ đêm thảo nguyên và được coi là khách quý trung niên. Vấn đề là các bác ấy có chịu đựng được mùi mồ hôi người ăn thịt cừu, uống sữa ngựa và 3 tuần mới tắm không thôi.

Người MC rất có ý thức giữ gìn môi trường thảo nguyên. Tôi khá ngạc nhiên. Mọi người picnic thu dọn rác tống lên xe về bãi rác ngoại ô vứt. Họ nói tivi có nhiệm vụ quan trọng nhất là tuyên truyền giữ sạch thảo nguyên. Và việc này chỉ có từ khi cách mạng dân chủ đa đảng. Người lái xe dẫn chúng tôi mặc dù xe chật, kiên quyết mang bao tải rác trên xe để về đến bãi rác ngoại ô.

Ở Ulan Bator, anh là công chức, lập tức được cấp 0,99 ha ở ngoại ô làm nhà nghỉ. Cuối tuần, chiều thứ 6, lũ lượt xe rời thủ đô ra ngoại ô. Thứ 7, Chủ nhật thủ đô vắng thênh thang. Tối CN, lại rồng rắn về thành phố. Nếu không phát động giữ thảo nguyên thì chả mấy chốc thảo nguyên nghìn đời thành bãi rác. Và họ đã làm được rất tốt. Tương tự thảo nguyên của họ là rừng là biển của người Việt, than ôi, chúng ta đã cư xử như là tự phá hủy cơ thể! Đuổi kịp Mông Cổ ư? Không bao giờ!

4.

Định nói nhiều chuyện khác, nhưng nhiều bạn hỏi đi du lịch Mông Cổ, nên tôi nói chủ đề này trước.

Các công ty du lịch VN cũng có tua MC, nhưng ít. Mùa đi là mùa xuân và hè, tốt nhất tháng 5-6 nhiều lễ hội, có nhiều cái để xem. Tháng 8 bắt đầu rét không đi thảo nguyên được. Đêm xuống 0 độ. Chênh lệch ngày đêm 10-20 độ. Tôi đi tháng 7, ban ngày 25-30 độ, đêm 5 độ. 8 giờ mới bắt đầu tối.

Tôi chọn cách tự đi. Mua vé khoảng 800 đô. Chú ý là không bao giờ nên chọn tuyến bay quá cảnh qua Bắc Kinh. Sự ty tiện nhỏ nhen của người TQ thể hiện ở cấp độ thể diện quốc gia, họ hành người đi Mông Cổ chết thôi. Nhiều người bị hành truyền kinh nghiệm rồi. Điều này tôi chưa bị nhưng tin. Ai đi từ Quảng Châu về HN sẽ thấy, khu đợi tàu ra máy bay đi HN bị nhét xuống dưới khoang ra cùng với bay nội địa của họ, cửa HN lẫn với Bắc Kinh, Thượng Hải, Thành Đô, Trùng Khánh…

Đi Mông Cổ từ VN thì nên bay quá cảnh qua Hàn Quốc. Khách sạn Ulan Bator cũng có nhiều loại như Hà Nội, có điều ít lựa chọn, giá đại khái như phố cổ.

Ulan Bator nhiều ô tô phân khúc rẻ. Đại khái như Lào, Cam. Ô tô cũ mới phong phú. Ô tô cũ của Nga, mới của Nhật, Hàn là chính. Người Việt ở Ulan Bator hầu như làm một nghề sửa chữa ô tô. Tôi có sơ bộ tìm hiểu, các hiệu sửa chữa ô tô đều đứng tên người MC. Họ không mặn mà mở rộng đầu tư nước ngoài, trái ngược với VN. Vì tôi đoán họ khôn ngoan, điều kiện người ít, không vội vàng tiến lên theo kiểu VN, TQ. Nhiều người Nhật, Hàn đến đầu tư chủ yếu làm công nghiệp thuộc da và lông thú, sản xuất len.

Hồi tôi đi MC cách đây 3 năm, cũng thấy có khách tua được công ty du lịch dẫn đi xem thảo nguyên, xem sinh hoạt du mục, ở nhà lều… Dĩ nhiên không thể bằng mình lọ mọ tự đi, cũng là may mắn có nhiều người giúp, gõ cửa ông nhà văn Dastseven, Chủ tịch Hội Hữu nghị Mông-Việt, ông ấy chỉ dẫn cho đi…

Ẩm thực Mông Cổ đơn giản kinh khủng. Thịt con gì cũng chặt to cỡ cái mũ, cho vào nồi đại tướng, thêm qua quýt củ quả gì đó. Rồi được phát một con dao. Xin mời. Nước thì húp soàn soạt. Đại khái truyền thống như vậy. Món này rẻ như rau muống VN. Ngày nay thì siêu thị cũng đầy thực phẩm, hàng hóa. Khách sạn nhà hàng gì cũng có. Mức chi tiêu ở Mông cổ dĩ nhiên đắt đỏ hơn Hà Nội.

Mông Cổ không vội và không hào hứng hội nhập với các nước mà chỉ chọn lọc mấy nước truyền thống. Hàng tiêu dùng chủ yếu là Nhật, Hàn. Hàng TQ từ phía bắc TQ thì là hàng cao cấp. Nên ví dụ quần áo túi ví trang sức… Thanh niên mặc bình thường, cũng thấy toàn hàng hiệu, loại mà ở VN phải người rất giàu mới dùng.

Trung tâm thủ đô Ulan Bator nay là quảng trường Sukhe Bator, ngày xưa có mộ ông này, lãnh tụ cách mạng khai sinh nước CHDCND Mông Cổ từ thập niên 20, đại khái ông ấy như Hồ Chí Minh VN. Sau cuộc cách mạng dân chủ 199x, thì người ta mang mộ ông ấy về quê chôn, không để ở giữa thủ đô nữa, còn lại bức tượng oai hùng mà thôi. Vẫn kính trọng như cũ, chỉ không để mộ to tướng ở giữa thủ đô.

Khi tôi đến, còn tàn tích vài bệ tượng Lê Nin. Nói chung tượng lãnh tụ vô sản bỏ hết. Nhưng họ vẫn để bức tượng bán thân Hồ Chí Minh ở khuôn viên trường phổ thông liên cấp mang tên HCM. Đây là một loại trường chuyên hàng đỉnh của thủ đô như Am, Chu của HN. Buồn cười là các lãnh tụ lật đổ chế độ cộng sản MC phần lớn xuất thân từ đây. Tổng thống đầu tiên của chế độ đa đảng là học sinh xuất sắc trường HCM, 2 thủ tướng sau cũng là học sinh trường này.

Hồi Liên Xô sắp sụp, thì người Mông Cổ đã tự giải quyết. Đảng nhân dân cách mạng phải lên truyền hình tự nhận lỗi về những sai lầm rập khuôn mô hình Liên Xô. Nói chung cuộc chuyển chế độ của họ êm không gay cấn…

Ở Mông Cổ, tôn giáo chính là Thiền phái Mật tông Tây Tạng. Phật giáo bắt rễ vào cùng thời vào VN, nhưng là nhánh Tiểu thừa Ấn, sau chuyển Mật tông Tây Tạng. Chùa ở Ulan Bator thờ giáo chủ Đạt lai Lạt ma thứ 14, trưng ảnh vị ấy rất to và trang trọng. Đó là vị Lạt ma đang lưu vong mà Bắc Kinh coi là kẻ tử thù. Nếu chỉ du lịch đi qua ngắm cảnh mà không để ý thì không thấy sự khác biệt sâu sắc này, dẫn đến xã hội và nền chính trị Mông Cổ khác Việt Nam và khác các nước Phật giáo khác (Lào, Cam…) gần ta, khác một trời một vực.

Riêng vấn đề này, VN không còn đặt vấn đề đuổi kịp nữa, vì hai nước đang ở hai hệ quy chiếu khác…

5.

(Tôi định kết thúc câu chuyện Mông Cổ ở kỳ 4, nhưng rất bất ngờ là thông tin về Mông Cổ lại ít như vậy, chắc là bài tôi viết cũng có chút bổ ích, nên kể thêm 2-3 kỳ nữa).

Mông Cổ nổi tiếng về ngựa, nhưng ít ai biết về con chó Mông Cổ và số phận bi phẫn của chó Mông Cổ.

Hiện nay, người du mục nào cũng nuôi chó, và giống chó đúng Mông Cổ. (Dĩ nhiên nó không phải chó gốc, phần sau sẽ nói). Loại này với chủ rất hiền từ, với khách không mời thì vô cùng dữ. Chúng tôi đi thảo nguyên bằng ô tô, nhưng đi qua đất của chủ chó, lập tức bị con chó xông ra nhe nanh xù lông sủa dữ dội. Đuổi theo cắn ô tô, cứ như cái ô tô có thể ngoạm được. Nhà trên thảo nguyên chỉ phân cách sở hữu (tạm) đất bằng một vết lõm dùng cuốc thành rãnh rất nông, mắt thường còn khó biết, nhưng nếu ô tô đi qua vạch phân giới ấy là con chó dừng lại.

Người đi thảo nguyên với tôi là thành viên Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Mông Cổ, kể rằng: Ngày xưa, ngay cả thời Thành Cát Tư Hãn xâm lược châu Âu, có quy định mang chó Mông Cổ đi theo, và kiểm kê từng con một. Để đảm bảo không sổng con nào ở ngoài Mông Cổ. Tuy nhiên, lịch sử trớ trêu, người Mông Cổ đã chiếm và làm vua Trung Quốc, nên mất giống chó gốc vào tay Trung Quốc. Con chó bây giờ gọi là “Ngao Tây Tạng”, chính là con chó gốc Mông Cổ.

Mông Cổ làm chủ Trung Nguyên, lập ra nhà Nguyên, vẫn có truyền thống bảo vệ con chó Mông Cổ. Nhưng cũng đến ngày nhà Nguyên cáo chung. Chúng ta đọc lịch sử, chỉ biết nhà Nguyên thất bại, nhưng không biết rằng, triều đình Nguyên với người gốc Mông Cổ không hề ở lại Trung Quốc, mà rút toàn bộ về Mông Cổ. Giới tinh hoa quý tộc Nguyên gốc Mông có ý thức không ở lại Trung Quốc. Họ về Mông Cổ. Và một số ít lên Tây Tạng. Vì sao lại lên Tây Tạng? Vì khi đó Tây Tạng không/chưa bị Hán hóa, là một quốc gia độc lập. Tây Tạng là quê hương Phật giáo truyền sang Mông Cổ. Thành Cát Tư Hãn đã có lời thề, sẽ chiếm toàn thế giới, trừ (Ấn độ, Tây Tạng) quê hương Phật Giáo. Như vậy một bộ phận quý tộc Mông Cổ lên Tây Tạng, mang theo con chó Mông Cổ.

Theo ông Hàn lâm KHXH Mông Cổ, cho đến trước năm 1970, con chó Mông Cổ (Ngao Tây Tạng) còn vài trăm con trên lãnh thổ Mông Cổ. Chủ yếu ở vùng thảo nguyên xa. Người TQ có chiêu bài thu mua chó, bao nhiêu cũng mua, giá cao ngất ngưởng. Nhà nước dùng mọi cách cũng không giữ lại được. Khoa học kỹ thuật Mông Cổ khi đó lại lạc hậu. Nên cho đến năm 199x, chó Mông Cổ (Ngao Tây Tạng) chính gốc bị mất hết. Ngày nay, các con chó thảo nguyên trông dáng như Ngao Tây Tạng, không to bằng, là loại đã bị lai tạp cả.

Số phận con chó Mông Cổ cũng bi hùng chìm nổi như chính người Mông Cổ vậy.

6.

Các vua Hùng đã có công dựng nước… Mông Cổ.

Điều này tưởng như nói đùa chơi, mà là sự thật.

Khi tôi nói về lịch sử vua Hùng, ông Dashtseven, Chủ tịch Hội Hữu nghị Mông Cổ- Việt Nam, Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Mông Cổ, chăm chú một cách khác thường. Ông hỏi: Sao lại có tên “Hùng”? Tôi thuật lại các giả thiết khác nhau về tên gọi vua Hùng, trong đó có giả thuyết của ông Trần Quốc Vượng, nhà sử học số 1 của Việt Nam. Ông Vượng cho rằng, cộng đồng dân cư Việt đã gọi người đứng đầu là Khun hay Hun gì đó, khi có chữ Hán, người ta dùng chữ Hùng để ghi lại mà thôi. (Có giả thuyết họ Hùng và các giả thuyết khác). Ông Dashtsevan nói ngay: Tôi ủng hộ cách lý giải của ông Trần Quốc Vượng. (Vì các lý giải trong lịch sử Mông Cổ)

Người Mông Cổ cổ đại gọi người đứng đầu bộ tộc là Hung (hay Hun). Hung là vua, không cần gọi “vua Hung”. Khoảng tương tự trước thời Tần ở TQ, có một Hung đã thống nhất các bộ lạc trên lãnh thổ mà trung tâm là Mông Cổ bây giờ, tạo thành một nước rộng lớn, phía bắc ôm trọn hồ Bai Can, phía nam giáp với Bắc Kinh. Nước Mông Cổ cổ đại ấy rất hùng mạnh, nhiều lần đánh bại các nhà nước thuộc Chu (TQ) và đánh Tần, khiến nhà Tần phải xây Vạn lý trường thành để ngăn cản. Cho đến giữa thời Hán, khoảng 100-150 trước Công nguyên, nhà Hán đã có lần đánh bại được nước Mông Cổ đó, từ đó dẫn đến thời kỳ suy yếu của nhà nước Mông Cổ hùng mạnh. Trong sử sách của người Trung Quốc, vương quốc đó được gọi là “Hung Nô”. Hung Nô là tên gọi miệt thị trong sử TQ sau nhà Hán để gọi quân đội và các bộ tộc mà Hung đứng đầu. Sau này, sách TQ gọi các vua của Hung Nô là các Thiền Vu, cũng là một cách phiên âm mà sau này người Mông Cổ phải chấp nhận, miễn cưỡng và không thích, cũng như rất ghét tên gọi Hung Nô, ý của nhà Hán là “Hung nô lệ”, cái nước mà họ đã bắt làm nô dịch.

Nhìn lại Việt Nam ta, cái tên An Nam do triều đại TQ và Pháp dùng để chỉ một phương Nam an bài, bị nô dịch, thì người Việt Nam nào thích không? Tuy nhiên, lịch sử có giai đoạn An Nam, kể từ thời An Nam đô hộ phủ đến An Nam thuộc Pháp, thì vẫn là sự thật, cũng như người Mông Cổ còn lại dấu vết của vương quốc Hung Nô.

Đế quốc Hung Nô suy tàn, cho đến thế kỷ 13 có một người Mông Cổ vĩ đại đã lập lại đế quốc của họ rộng gần hết thế giới. Đó là Tringit Khan, người Việt gọi theo chữ Hán là Thành Cát Tư Hãn. Đây lại là câu chuyện khác.

Có một giả thuyết được nhiều người tin theo, đó là một bộ phận Hung Nô đã đánh dẹp sang tận châu Âu, hình thành cộng đồng dân tộc Hungari. Nhưng cũng có nhiều người phản bác. Tuy vậy, các cuộc chinh chiến của quân Hung Nô (chưa phải thời Tringit Khan) cũng để lại các chiến binh rải rác khắp châu Âu, mầm mống gen của họ còn đó, kể cả Thổ Nhĩ Kỳ, là một sự thật khó chối cãi.

Như vậy, có một mẫu số chung thời cổ đại, nhiều bộ tộc gọi người đứng đầu của mình là Hung/Hun/Khun… (Hiện nay, một số dân tộc thiểu số ở VN vẫn gọi là Khun). Nếu ông Xukhe Bator dạy quân dân, cũng có thể nói: “Các Hung đã có công dựng nước Hung vĩ đại, bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy phần còn lại này”.

Tôi hỏi ông Dashtsevan: Các anh có lịch sử rất khúc khuỷu, có lúc mạnh chế ngự thế giới, có lúc suy tàn, vậy các anh dạy học sinh và tuyên truyền lịch sử như thế nào?

Ông Dashtsevan nói: “Sự thật. Chúng tôi ủng hộ quan điểm tham mưu với nhà nước phải nói sự thật và chỉ có sự thật, có tranh luận thì cũng thuần học thuật, đừng mang chính trị áp vào. Sự thật sẽ là bài học lớn. Điều này thời chính quyền của Đảng Nhân dân cách mạng thì cũng có khó khăn, nhưng dưới thời đa đảng thì thuận lợi”. Rất bất ngờ, ông chia sẻ quan điểm với tôi, đất nước của các vua Hùng của người Việt không chỉ bó hẹp ở Phong Châu và Đồng bằng sông Hồng, mà nó là phạm vi gần trùng với nước Nam Việt, còn lớn hơn nước Nam Việt của Triệu Đà. Bởi vì khi Hai Bà Trưng khởi nghĩa, là khôi phục nước Nam Việt và đất của vua Hùng. Chỉ có điều đó mới phù hợp với chính sử về gốc tích các vua Hùng (bây giờ thì việc Hai Bà chiếm 65 thành ở Nam TQ, có đền thờ khắp Quảng Đông, Quảng Tây đã nhiều người biết).

Nói sự thật, điều đó với việc tuyên truyền lịch sử ở Việt Nam còn đi sau Mông Cổ, còn đuổi mệt mới kịp…

7.

Người Mông ở Việt Nam (và các nước khác) là một bộ phận dân Mông Cổ đã thiên di. Điều đó là khẳng định của ông Dashtsevan. Ông đã nghiên cứu vấn đề này, đến cộng đồng Mông ở khắp các nước Đông Nam Á (Lào, Thái, Miama, Malaysia, Indonesia). Riêng ở Việt Nam, theo nguyện vọng của ông, tôi đã dẫn ông lên Bắc Hà để quan sát người Mông Bắc Hà.

Trong các tài liệu chính thức phổ biến ở Việt Nam, thì người Mông có nguồn gốc ở Nam Trung Quốc, di cư đến VN khoảng trên dưới 300 năm, có bộ phận chỉ 100-150 năm, và ý kiến nguồn gốc Mông Cổ là lần đầu tiên tôi nghe từ ông Dashtseven, một người nghiên cứu khoa học xã hội Mông Cổ.

Ông Dashtseven khảo cứu về truyền thuyết nguồn gốc di cư, có cộng đồng dân cư nói rõ đi từ thảo nguyên Mông Cổ, có bộ phận không nói rõ, nhưng đều nhận từ thời gian gần (mấy trăm năm) là từ miền cao nguyên Tây Tạng.

Lịch sử văn hóa Mông Cổ gắn chặt với Tây Tạng. Hiện nay, chữ của người Mông Cổ chính là bộ chữ truyền thống Tây Tạng, trông như giun nhưng viết từ trên xuống. Khi cách mạng dân chủ thành công, người Mông Cổ bỏ bộ chữ Xlavo của Nga, dùng chữ truyền thống của mình. Chữ Tây Tạng truyền theo con đường truyền đạo Phật. Tương tự như các giáo sĩ Bồ làm chữ quốc ngữ cho người Việt. Các thiền sư Tây Tạng đã mang chữ của họ cho người Mông cổ trung đại. Và khi người Mông Cổ làm chủ Hoa Hạ, nô dịch người Hán, họ có mối liên hệ quan trọng với người Tây Tạng. Khi nhà Nguyên thất bại, bộ phận dân cư không phải quý tộc và quan lại đã ở lại vùng chân núi Tây Tạng. Đó là bộ phận dân cư của các bộ tộc nghèo, nhiều bộ tộc khác với các bộ tộc theo Tringit Khan làm vua ở triều đình. Và họ tiếp tục chạy nữa, sau triều Tống, đến triều Thanh chinh phục Tây Tạng, họ vẫn chạy. Họ di cư đến vùng đất mới sau thì phải chọn chỗ trên cao như Việt Nam, chứ không phải đâu cũng ở cao. Ở Lào, người Mông ở thấp.

Quá trình du mục thảo nguyên chuyển đến du mục trên các triền núi, người Mông bắt buộc phải thay đổi nhiều tập quán, nhưng giữ lại tập tục du mục, trang phục và ứng xử với ngựa. Ở Bảo tàng dân tộc tại Mông Cổ, có thể tìm thấy các bộ trang phục na ná người Mông Việt Nam. Tại sao chỉ có người Mông ở trên núi cheo leo vẫn gắn bó với con ngựa như thế? Khi đến Bắc Hà, ông Dashtseven chú ý tìm hiểu các từ ngữ liên quan đến ngựa, và thấy nó có nhiều tương đồng với người Mông Cổ. Người Việt gắn bó với con gà, con lợn, thì đực, cái, động tác của chúng đều có từ riêng, nhưng với ngựa thì không như vậy. Còn người Mông thì khác, ngựa đực, cái, động đực, chạy, phi… đều có từ riêng cả.

Ở Mông Cổ, con dê thịt ra quý nhất cái đầu, con ngựa thì quý nhất bộ ruột. Người Mông Việt Nam làm thắng cố không có bộ ruột thì coi như không thành. Họ đem những hoa quả thuốc thang ở vùng nhiệt đới cho vào món ruột, làm nên món đặc biệt của người Mông.

Thời xưa làm báo, tôi đã đọc văn bản của Văn phòng chính phủ hướng dẫn các báo gọi chính thức người Mông là “Mông”, không phải H’mong như người Pháp gọi, vì người Mông tự gọi mình như thế (tuyệt nhiên không nên gọi là Mèo, vì đó cũng là cách gọi miệt thị có từ thời Pháp thuộc). Người Mông Cổ tự gọi mình là “Môn-gô”. Từ “Mông” là một từ Mongo đã Việt Hóa (có nước gọi là Môn). Cho đến nay, có lẽ nước ta cũng nên không gọi tên nước người ta theo kiểu Hán là Mông Cổ nữa. Cứ nên gọi là Mongo thì có khó gì.

Thực ra, hầu như nước nào lân cận đường chinh phạt của Tringit Khan đều có chuyện cộng đồng người gốc Mongo. Nhân có cơ duyên đi Mông Cổ, gặp ông Dashtseven được biết nhiều chuyện, viết nên để hầu bạn FB một lần.

Mông Cổ có 1 người như ông Dashtseven, ở đâu có người Mông là đến để nghiên cứu, để điền dã. Người Việt mình có ai như thế không ạ?

8.

Khi bắt đầu viết về Mông Cổ, tôi không ngờ câu chuyện lại kéo dài đến 8 kỳ. Chính bạn đọc FB đã khiến tôi có hứng thú. Vì người Việt ít thông tin về đất nước đó, nhưng cái chính là đất nước và con người Mông Cổ thực sự hấp dẫn.

Khi đến Mông Cổ, nhiều nơi có treo bản đồ Mông Cổ thế kỷ 13. Buồn cười là các bản đồ này chỉ na ná nhau mà không hoàn toàn giống nhau, bao gồm hết Trung Á, châu Âu, toàn bộ miền Địa Trung Hải, cả Đông Á, chỉ trừ Ấn Độ, Nhật Bản và Tây Tạng. Bởi vì vó ngựa Tringit Khan thổi qua Âu Á quá nhanh, quá nhiều, để lại cho hậu thế nhiều cách nhìn khác nhau. Có nơi, bản đồ có bao gồm Việt Nam ngày nay, nhưng có nơi lại chừa Việt Nam, coi như không có chuyện đã chiếm Việt Nam. Họ giải thích: Quân Mông Cổ đã đến đó, nhưng khí hậu không hợp, nên rút về. Ai chứ tôi thì thấy giải thích đó thỏa đáng.

Lịch sử Mông Cổ có trang hào hùng thế kỷ 13, nhưng cũng có trang bi thảm thế kỷ 17-18-19. Nhà Thanh làm vua Trung Quốc, sau khi đã thống trị Mông Cổ. Thời nhà Thanh, Trung Quốc đúng là bao gồm hết đất Mông Cổ và Tây Tạng. Cách mạng Tân hợi 1911 lật đổ Thanh triều, sau đó chuyển chính quyền sang Quốc dân đảng, có một thời kỳ tạo cơ hội độc lập cho Mông Cổ, nhưng phải đến 1922, dưới cái ô của Liên Xô, sau khi đã có Xukhe Bator chiến đấu với Hồng quân Liên Xô, thì Mông Cổ mới giành được độc lập một phần, nay là lãnh thổ hiện tại. Còn một phần gọi là Nội Mông đành nằm lại Trung Quốc.

Đến khi kết thúc chiến tranh thế giới thứ 2, lần nữa Mông Cổ có cơ hội lấy lại Nội Mông, nhưng không thể xảy ra, cũng vì cuộc mặc cả vì lợi ích các nước lớn. Liên Xô chỉ vì lợi ích của họ, lấy Nội Mông làm thứ mặc cả với Trung Quốc, chứ không kiên quyết lấy lại Nội Mông. Sự kiện này khiến cho xảy ra một số cái chết của lãnh đạo nhà nước Mông Cổ, cho đến nay vẫn là một nghi vấn lớn. Lãnh đạo Mông Cổ thời kỳ trước năm 1960 không hoàn toàn theo chủ nghĩa Stalin, các chủ trương tập thể hóa làm không đến nơi đến chốn, có phần hời hợt. Troibanxan là lãnh đạo nhà nước thời kỳ 194x, 195x còn là người có đầu óc độc lập dân tộc, chỉ coi Mông Cổ là nước liên kết với Liên Xô. Cái chết của ông vẫn còn là nghi vấn. Chỉ đến Xedenban 1960, nước Mông Cổ mới hoàn toàn theo mô hình Liên Xô. Tuy nhiên, ngay từ những năm 193x, khi Liên Xô những người Staninit thanh trừng nhau đẫm máu, Mông Cổ không bị lún sâu vào các mâu thuẫn xã hội kiểu Liên Xô hay kiểu cải cách ruộng đất ở Việt Nam. Nên vào đầu những năm 199x, khi có làn sóng dân chủ, những người cộng sản đã công khai nhận lỗi lầm và chịu thất bại trước lực lượng dân chủ. Và thảo nguyên của họ nhanh c hóng sống lại nếp sống hàng nghìn năm (chỉ có bị gián đoạn 70 năm).

Khi tôi vào bảo tàng Mông cổ thời hiện đại, còn những bức ảnh một người cầm loa trước cuộc biểu tình lớn ở thủ đô Ulan Bato, đó là người trở thành vị tổng thống dân chủ đa đảng đầu tiên của Mông Cổ. Người Mông Cổ sống ngàn năm với đàn gia súc, và họ học tính cách của các con vật của thảo nguyên. Nếu có cuộc tranh giành, thì con yếu quay đầu để đầu hàng trước, ít khi xảy ra tỷ thí đổ máu. Lực lượng trí thức tinh hoa là những người cầm đầu cuộc cách mạng dân chủ. Khi tôi đến Trường phổ thông liên cấp Hồ Chí Minh, mọi người đều hãnh diện vì trường sản sinh ra các lãnh đạo nhà nước thời kỳ dân chủ, và họ cũng khoái chí vì đã mang tên Hồ Chí Minh. Trong hiểu biết của nhiều người Mông Cổ, Hồ Chí Minh là lãnh tụ đã giành độc lập cho Việt Nam năm 1945, còn chuyện Người là cộng sản thì dĩ nhiên như vậy, cũng như Sukhe Bator của họ thôi. Sukhe Bator đã lập nước Mông Cổ thập kỷ 20, khuyết điểm của Đảng Nhân dân cách mạng sau năm 1960 không thể đổ tại Sukhe Bator được.

Cái nhìn của những người ban Mông Cổ về lịch sử cận đại khiến tôi rất suy nghĩ. Bao giờ nước Việt Nam tiến đến thực tế như của họ, quan điểm như của họ?

Tác giả : Nguyễn Xuân Hưng

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *