Neanderthal và Homo Sapiens — hơn cả anh em họ?
Hai thành viên của chi Homo từ lâu đã chiếm hai nhánh khác nhau trên cây phả hệ. Nhưng các nhà nghiên cứu đang cho rằng hai quần thể này có sự đan xen, và các học giả đang nghiêm túc xem xét đến khả năng Neanderthal và Homo Sapiens thuộc cùng một loài.
Chuyên mục: SAPIENS | Feb 18, 2020 | 14 min read | 200 Claps
Tác giả: Josie Glausiusz
L: 5000 words
———————————
Vào khoảng 200,000 năm trước, tại mảnh đất mà ngày nay là Bắc Israel, một nhóm nhỏ những người có trình độ chế tác công cụ lao động cao bắt đầu cuộc viễn chinh mở rộng lãnh thổ và chiếm đoạt môi trường sống của hàng loạt các loài động vật hoang dã. Với những mũi mác và dao kiếm tinh xảo, họ đã săn lùng và tàn sát vô số loài động vật, bao gồm linh dương gazelle, hươu, nai, và loài bò rừng châu Âu đã tuyệt chủng — tổ tiên của các loài gia súc hiện đại.
Trong tiết trời mát mẻ và ẩm ướt của vùng duyên hải, những Homo Sapiens đầu tiên đã tìm thấy hạt dẻ trong các khu rừng được bao phủ bởi sồi, oliu và dẻ cười ở gần đó. Họ ăn loại lá có vị mặn hái từ cây rau muối và trứng đà điểu tìm thấy ở cửa hang — thứ mà họ sẽ húp sùm sụp phần lòng đỏ.
Phát hiện này đến từ nhà khảo cổ học trực thuộc Đại học Haifa — Mina Weinstein-Evron. Vào năm 2012, bà cùng các đồng nghiệp của mình đã tìm thấy hàm trên và răng của một H. sapiens có niên đại khoảng 177,000 – 194,000 năm tại hang Misliya thuộc Israel, cùng với xương động vật và các công cụ sắc nhọn cạnh đó.
“Rất có thể,” Weinstein-Evron giải thích, “những người này đã di cư đến bán đảo Ả Rập vào khoảng hơn 200,000 năm trước đây. Dòng người này đã đi dọc theo các đường hành lang sum suê để đến với những vùng đất ngoài châu Phi. Chúng tôi không biết có bao nhiêu người vượt qua, bao nhiêu người phải chết, và bao nhiêu người đã quay trở lại. Chúng tôi chỉ biết, trong dòng người ấy, đã có người đến được nơi đây.”
Chúng ta cũng biết rằng họ không đơn độc. Dựa trên những phát hiện nhỏ về răng và xương tại các hang động địa phương, “chúng tôi biết rằng khu vực này là nơi sinh sống của các sinh vật giống-Neanderthal”, cũng có thể là tổ tiên của Neanderthal, tại thời điểm đó — nhà khảo cổ Israel Hershkovitz trực thuộc Đại học Tel Aviv, một chuyên gia về nguồn gốc người hiện đại, cho biết.
Trong quá trình ra ngoài tìm kiếm thức ăn, Homo Sapiens có thể đã giao cấu với các cư dân giống-Neanderthal. Tại mảnh đất giáng sinh Thiên Chúa, Adam và Eva có lẽ đã ăn trái cấm mất rồi.
Nhiều học giả nghi ngờ rằng, đến sau cùng, đã chẳng còn hậu duệ nào của những người sống trong hang Misliya nữa rồi. Những đợt sóng H. sapiens rời châu Phi về sau đã thành công trong việc sinh sản và mở rộng phạm vi phân bố. Nhưng bện trong câu chuyện di cư của loài người là Neanderthal và vượn nhân hình — những thành viên gần gũi nhất với người hiện đại trong cây phả hệ — những người cho ra đời bước tiến hóa đầu tiên của loài người tại châu Âu so với tổ tiên châu Phi vào khoảng 400,000 năm trước đây.
Nhiều nhà khoa học hoài nghi rằng H. sapiens và Neanderthal đã gặp nhau và nhiều lần pha trộn bộ gen của mình. Các nhà di truyền học đã cung cấp các tài liệu chứng minh kiểu gen của Neanderthal vẫn tồn tại cho đến ngày nay trong cơ thể của người hiện đại. Đây chính là bằng chứng cho các trường hợp giao cấu thuở xa xưa.
Các nghiên cứu mới, có thể thực hiện được nhờ một phần vào các công nghệ tính toán cho phép các nhà nghiên cứu phân tích một lượng khổng lồ các dữ liệu di truyền, cho thấy giữa H. sapiens và Neanderthal có nhiều lai trộn hơn ta tưởng. Thật vậy, khuynh hướng ghép cặp của hai loài này đã khiến các nhà nghiên cứu phải đặt câu hỏi về lời tuyên ngôn cũ, rằng Neanderthal và H. sapiens là hai loài riêng biệt.
Những ý tưởng như vậy cũng làm dấy lên những câu hỏi về ý nghĩa của việc trở thành một ‘loài’ riêng biệt. Người ta cũng nhắc đến một khả năng rằng có lẽ H. sapiens đã không đẩy Neanderthal đến vực sâu tuyệt chủng như quan niệm của một số nhà khoa học. Thay vào đó, một loài chỉ đơn giản là hấp thụ loài kia — nói cách khác, người Neanderthal có thể tồn tại trong chính chúng ta.
Vào năm 1856, các thợ khai thác đá vôi đã tìm thấy một phần khung xương người dày và có xương mày trong một hang động tại thung lũng Neander thuộc Phổ (nước Đức ngày nay). Một nhà nhân chủng học người Đức có tên Hermann Schaaffhausen đã tiến hành nghiên cứu các xương.
Schaaffhausen nhận thấy rằng hộp sọ này tuy có sai khác với hộp sọ của người hiện đại, nhưng suy cho cùng, nó cũng có thể thuộc về thứ mà ông gọi là ‘chủng người dã man và mọi rợ’. Tuy nhiên, nhà địa chất học đương thời người Ireland William King không đồng ý.
King lưu ý rằng, hộp sọ của hóa thạch này, với ‘khuynh hướng mô phỏng mạnh mẽ [giống như khỉ]’, tựu chung lại ‘rất khác biệt so với Người’. Năm 1863, King tuyên bố một loài mới với cái tên Homo Neanderthalensis.
Kể từ đó, các nhà khoa học lại tranh cãi xem liệu H. sapiens và H. neanderthalensis có thật sự là hai loài riêng biệt hay không. Xét về diện mạo, hóa thạch Neanderthal trông tương đồng với chúng ta — họ rõ ràng là thành viên thuộc cây phả hệ của chúng ta. Nhưng nếu xem xét kĩ lưỡng hơn, các đặc điểm của Neanderthal cũng khá khác biệt.
“Đã có một cuộc tranh luận qua lại: Liệu đây chỉ là một biến thể kì lạ của chúng ta — một phiên bản thô sơ và ngu độn hơn của những người đang sống ngày nay — hay nó thực sự là một thứ gì đó khác hoàn toàn với chúng ta?” , nhà nhân chủng học và sinh học tiến hóa trực thuộc Đại học Pittsburgh Jeffrey Schwartz đã đặt ra câu hỏi.
Schwartz có thể kể nhanh một lượng lớn các khác biệt về mặt giải phẫu giữa H.sapiens và Neanderthal: H.sapiens có xương mặt phẳng, mặt Neanderthal gồm các gò nhô cao. Neanderthal có thân hình vuông vức, đô con, xương cẳng tay và cẳng chân to. H. sapiens thì hoàn toàn đối lập với cơ thể mảnh dẻ hơn. Chiều dài răng và ngón tay cái của Neanderthal khác chúng ta, và xương đòn của họ cũng dài hơn.
Cuộc tranh cãi sẽ chỉ giới hạn trong phạm vi giải phẫu học nếu không xuất hiện một khám phá độc lập vào năm 2010. Một nhóm được dẫn dắt bởi nhà di truyền học tiến hóa của Viện nhân chủng học tiến hóa Max Planck (Leipzig, Đức) Svante Pääbo đã trích xuất các đoạn DNA từ hóa thạch Neanderthal và công bố một phiên bản đầu tiên của bộ gen Neanderthal.
Bằng cách so sánh phân khúc bộ gen Neanderthal với bộ gen của năm người hiện đại — đến từ Nam Phi, Tây Phi, Papua New Guinea, Trung Quốc và Pháp — người ta nhận thấy Neanderthal có nhiều đoạn gen chung với người châu Âu và châu Á hơn với những người Hạ Sahara.
Phát hiện của Pääbo và nhóm của ông cho thấy, 1 – 4% bộ gen của người hiện đại không phải châu Phi mang DNA của Neanderthal. Sự trùng lặp này đưa đến một giả thuyết, rằng tổ tiên H.sapiens của chúng ta đã có những cuộc gặp gỡ chung chăn với người Neanderthal.
Nghiên cứu này sẽ là lá cờ tiên phong trong công cuộc chỉ ra tính lai trộn giữa hai vượn nhân hình này. Và những nghiên cứu như vậy có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc giải đáp thắc mắc rằng Neanderthal và H.sapiens là một hay hai loài, theo như ‘định nghĩa cổ điển’ của nhà sinh vật học Ernst Mayr. “Nếu hai sinh vật này có thể sinh sản và cho ra đời con hữu thụ, thì tức là chúng thuộc cùng một loài.” Hershkovitz giải thích.
(ND: Hữu thụ, nguyên gốc là ‘fertile’, tức có khả năng sinh sản. Động vật được cho là cùng loài nếu chúng có xu hướng giao cấu và cho đời con hữu thụ. Ví dụ, ngựa và lừa rất ít quan tâm về tính dục đối với nhau dù có chung nhiều đặc điểm thể chất; chúng có thể giao cấu nếu bị ép buộc, tuy nhiên đời con của chúng (con la) lại không có khả năng sinh sản. Do đó, các đột biến DNA ở loài lừa sẽ không bao giờ có thể truyền sang loài ngựa và ngược lại. Vì vậy, ngựa và lừa được coi là hai loài riêng biệt và đi theo những con đường tiến hóa riêng.)
Công việc nghiên cứu gen từ lâu đã phải đối mặt với thách thức về quy mô. Theo ước tính, bộ gen của một người có khoảng 21,000 gen giữ chức năng mã hóa protein cùng các phân tử phức tạp — nhân tố tham gia vào hầu hết các quá trình sinh lí diễn ra bên trong tế bào và có vai trò quyết định đối với cơ thể. Sự sắp xếp trình tự các gen liên quan đến việc nghiên cứu 3 tỷ cặp bazơ trong DNA — nhân tố quyết định kiểu gen của con người.
Mỗi tiến bộ giúp cho việc nghiên cứu một bộ gen cá thể người trở nên rẻ hơn, chính xác hơn và nhanh hơn đều là bước tiến quan trọng trong việc tìm hiểu xem liệu các cá thể — H. sapiens, Neanderthal, hoặc các chủng khác — có những sai khác đối chiếu nào. Chính bởi những lí do trên, nên sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI) — thứ cho phép các nhà nghiên cứu thiết lập thuật toán để giải quyết vấn đề và chỉ đạo phân tích — trở thành nhân tố thay đổi cuộc chơi.
AI không chỉ giúp xác thực các phát hiện di truyền học dẫn tới giả thuyết lai trộn H. sapiens và Neanderthal trước đó, mà còn đề ra một giả thuyết mới, rằng các cuộc gặp gỡ dục tính của họ xảy ra ở mức độ mà các học giả không bao giờ lường trước được. Tất cả các giả thuyết này đều củng cố cho ý kiến H. sapiens và Neanderthal có thể là một loài.
Ví dụ, vào năm 2018, nghiên cứu được công bố bởi hai nhà di truyền học quần thể Fernando Villanea và Joshua Schraiber, sau đó là của Đại học Temple tại Philadelphia, đã sử dụng một công cụ AI gọi là thuật toán học sâu. Công cụ này có khả năng mô hình hóa dữ liệu bằng các lớp xử lí phức tạp và được truyền cảm hứng từ cách tiếp cận và thu lượm kiến thức của bộ não.
Các nhà khoa học máy tính ‘đào tạo’ thuật toán bằng cách chỉ thị chúng nhận diện các mẫu cụ thể dựa trên những dữ liệu ráp sẵn. Ở tình huống này, Villanea và Schraiber đã sử dụng một thuật toán để phát hiện tổ tiên của Neanderthal.
Sau đó, cặp đôi tiến hành phân tích sự rải rác DNA trong bộ gen của của 400 người châu Á và châu Âu đương đại, những người có tổ tiên sinh sống tại các khu vực này trong một thời gian dài. Dữ liệu này được lấy từ Dự án 1000 bộ gen — một chương trình hợp tác quốc tế có mục tiêu thiết lập danh mục các biến dị di truyền ở người.
Villanea và Schraiber đã tìm thấy những mảnh vụn còn sót lại của tổ tiên Neanderthal: khoảng 1,5% trong bộ gen của mỗi cá nhân nói chung và 1,7% ở người Đông Á nói riêng. Fabrizio Mafessoni, một nhà di truyền học tiến hóa tại Viện nhân chủng học tiến hóa Max Planck, đã xem xét phát hiện của Villanea và Schraiber và lập luận rằng tỉ lệ di tích Neanderthal trong cơ thể người hiện đại có thể cao hơn dự kiến một chút, nếu câu chuyện giao cấu của hai loài này chỉ vỏn vẹn có một hồi.
“Có một cách giải thích trực quan,” Schraiber nói, “rằng câu chuyện giao cấu này bao gồm rất nhiều hồi phức tạp, và bộ phận dân cư ấy [người Đông Á] đã giao cấu nhiều hơn.”
Một nghiên cứu được thực hiện vào năm 2019, dẫn dắt bởi Oscar Lao, một nhà nghiên cứu quần thể gen tại Viện Điều tiết gen Quốc gia Tây Ban Nha và Jaume Bertranpetit, một nhà sinh học tiến hóa trực thuộc Đại học Pompeu Fabra (Barcelona), đã ứng dụng thuật toán học sâu để phát hiện một quần thể người chưa từng được biết đến trước đây, một dạng cá thể lai giữa Neanderthal và người Denisova. (Người Denisova là những cá thể người cổ xưa được tìm thấy trong hang Denisova thuộc dãy Altai của Siberia).
Các dữ kiện cho thấy — ta đã biết rằng DNA của người Neanderthal có rải rác trong các nhóm người sống khác nhau — người Neanderthal đã giao cấu với người Denisova ở Đông Á, tạo nên quần thể Neanderthal-Denisova, và các con lai của họ lại giao cấu với người hiện đại trước khi đặt chân đến lục địa Úc vào khoảng 60,000 năm trước.
“Bằng chứng về ‘sự pha trộn’ giữa người Neanderthal, người Denisova và người hiện đại”, Bertranpetit nói, “là dấu hiệu ‘cho thấy tất cả các quần thể này đều thuộc một dòng dõi duy nhất’.”
Tuy nhiên, một nghiên cứu khác công bố vào năm 2017 đã chỉ ra, sự kiện xâm nhập của dòng gen H. sapiens vào cơ thể người Neanderthal rất có thể đã diễn ra tại một thời điểm sớm hơn nhiều trong lịch sử loài người — ngay từ khi những H. sapiens tại hang Misliya còn đang húp sùm sụp phần lòng đỏ của những quả trứng đà điểu rồi.
Nghiên cứu này được dẫn dắt bởi Cosimo Posth, một nhà nghiên cứu DNA cổ đại tại Viện nhân chủng học tiến hóa Max Planck tại Jena, Đức. Nhóm của ông đã tiến hành khảo sát mẫu DNA thu thập từ một xương đùi xấp xỉ 120,000 năm tuổi được khai quật trong một hang động ở miền tây nam nước Đức.
Đặc biệt là, họ đã chuyển sự chú ý của mình sang DNA ti thể. Thông tin di truyền được truyền từ mẹ sang con và được tìm thấy trong các ‘nhà máy năng lượng của tế bào’ gọi là ti thể. Công tác nghiên cứu đã đi đến kết luận rằng tổ tiên của người Neanderthal và H. sapiens đã giao cấu vào khoảng 220,000 – 270,000 năm trước, và địa điểm rất có thể là Levant.
(ND: ‘Levant’ là một thuật từ dùng để chỉ ngã tư giữa Tây Á, Đông Địa Trung Hải và Đông Bắc Phi).
Các nghiên cứu này đã chung tay củng cố cho lập luận rằng có tồn tại sự bắt cặp của H. sapiens với người Neanderthal, và chuyện giao phối của họ hoàn toàn không bất thường. Hơn thế nữa, H. sapiens, người Neanderthal, người Denisova, và con lai giữa họ đều đã giao cấu (điều này ám chỉ cả ba dòng này thuộc cùng một loài). Và sự pha trộn gen này rất có thể đã diễn ra vào thời điểm các cuộc đánh chiếm của tổ tiên người hiện đại lần đầu tiên vượt ra khỏi địa giới Phi châu.
“Trong suốt hàng trăm nghìn năm, không chỉ người hiện đại, mà cả người cổ đại như người Neanderthal và người Denisova, đã… bước qua ranh giới của thời kì hiện đại, một thời kì mà dĩ nhiên không tồn tại trong quá khứ, pha trộn lẫn nhau, cùng nhau trao đổi vật chất di truyền,” Posth nói, “Đây không phải một ngoại lệ, mà là một chuẩn mực.”
Nếu ‘loài’ được định nghĩa bằng khả năng sinh sản con non hữu thụ, thì người ta có thể lập luận rằng người Neanderthal và H. sapiens thực chất là một loài. Nhiều nhà khoa học trong lĩnh vực này cũng đồng ý với ý kiến đó. Nhưng một vài chuyên gia vẫn cảm thấy chưa thỏa đáng.
Cách hang Misliya 75 km về phía Nam là văn phòng nhỏ của Hershkovitz tại Tel Aviv. Xung quanh ông, đầu lâu của H. sapiens — cái cổ nhất có niên đại 15,000 năm — đang bày la liệt trên những chiếc kệ liền tường.
Những đầu lâu này thuộc về sự sống và hơi thở của nhiều con người, gợi nên hào quang của một thế giới từ lâu đã rơi vào quên lãng. Vào một thuở xa xăm từ trước, những con người này đã chung sống cùng những tông người khác. Việc xác định sự khác biệt giữa những loài này vẫn còn là một thách thức. Ví dụ, Hershkovitz nhìn nhận H. sapiens và người Neanderthal như hai ‘quần thể chị em’ của cùng một loài.
Nhưng ‘định nghĩa cổ điển’ về loài của Mayr, thứ dựa trên hoạt động giao phối, đã bị đâm thủng bởi các ngoại lệ. Ví dụ, hai cá thể thuộc hai loài khác nhau có thể giao phối và sinh sản con non hữu thụ, tuy nhiên con của thế hệ ‘lai’ ấy có thể không còn khả năng sinh sản nữa.
Chẳng hạn, sản phẩm giao phối của ngựa và lừa, tức con la, là điển hình cho đời con không có khả năng sinh sản. Nhưng sư tử với hổ thì khác. Chúng là hai loài riêng biệt, sống ở các lục địa khác nhau trong tự nhiên. Trong trường hợp bị câu thúc, chúng vẫn có thể sinh ra ‘sư hổ’ (liger) hoặc ‘hổ sư’ (tigon), và những con lai này vẫn có khả năng sinh sản, dù số lần bắt gặp rất thấp. Nói cách khác, các nhà khoa học đã phải thừa nhận các trường hợp hai động vật giao cấu nhưng vẫn thuộc hai loài riêng biệt — và một số nhà nghiên cứu đã mở rộng ngoại lệ này ra với cả H. sapiens và người Neanderthal.
(ND: Liger là con lai giữa sư tử đực và hổ cái, còn tigon là con lai giữa hổ đực và sư tử cái.)
Nhà nhân học sinh học trực thuộc Đại học New York Shara Bailey tin rằng H. sapiens và người Neanderthal tuy sinh con hữu thụ nhưng vẫn là hai loài riêng biệt — tương tự hổ và sư tử. Bà mô tả hai vượn nhân hình này là hai loài riêng biệt về mặt hình thái, và chúng đã tách nhau ra từ ít nhất 800,000 năm trước rồi.
“Bằng mọi chủ đích, họ là hai loài riêng biệt,” Bailey nói, “nhưng họ vẫn duy trì khả năng tạo con lai.” Đời con của họ, bà lập luận, rất hiếm thấy, và dù chúng vẫn có khả năng sinh sản, thì xác suất sinh sản thành công cũng thấp hơn cha mẹ chúng rất nhiều. Các ghi chép di truyền học cho ta vài trường hợp thành công, và chính chúng đã đưa DNA của người Neanderthal vào vốn gen của người hiện đại.
Bailey không đơn độc với quan điểm của mình. Nhà nhân chủng học thuộc Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên London Chris Stringer cũng đi đến kết luận rằng hai loài này đã tách rời nhau đủ lâu trên phương diện tiến hóa và đủ khác biệt về mặt thể chất để duy trì là hai loài riêng biệt dù đôi lúc có tạo con lai.
Với những rắc rối trong định nghĩa của Mayr, một số học giả cho rằng nó nên được thay thế. Cho tới hiện nay, đã có 20 khái niệm khác nhau về ‘loài’ — và chẳng cái nào nhận được sự chú ý và đồng thuận mạnh mẽ từ giới chuyên môn. Một vài nhà khoa học tán thành thuyết thừa nhận bạn tình, trong đó các thành viên của cùng một loài sẽ ‘thừa nhận’ nhau là bạn tình thông qua các nghi thức tán tỉnh, mùa sinh sản và tương hợp protein.
Và ít nhất vẫn còn một nhà nghiên cứu hoài nghi về các bằng chứng di truyền học của sự lai tạo. Schwartz nói rằng ông đã nhìn thấy và nghiên cứu hầu hết các mẫu vật được ghi chép lại về hóa thạch người và nhận thấy một điều: “Neanderthal rõ ràng là một loài khác với chúng ta: Họ rất độc đáo về mặt hình thái.”
Schwartz hoài nghi cách lí giải cho đến ngày nay về các bằng chứng di truyền học. Mặc dù đã có nhiều vượn nhân hình từng tồn tại, Schwartz chỉ ra, các nhà khoa học lại chỉ giải trình bộ gen của ba mẫu vật của ba loài họ có thể xác định hình thái rõ ràng: H. sapiens hiện đại, người Neanderthal ở thung lũng Neander, và một vượn nhân hình 400,000 năm tuổi có tên Homo heidelbergensis. (Giới nghiên cứu đang nỗ lực nhận diện các loài khác, tuy nhiên các mẫu vật thu được rất rời rạc, cho nên họ vẫn chủ yếu sử dụng các manh mối di truyền tìm thấy trong các hóa thạch được xác định chính xác là của Neanderthal và H. sapiens).
Bởi vì chúng ta không biết có bao nhiêu vượn nhân hình từng tồn tại — và bởi hầu hết chúng ta đều không có trình tự sắp xếp DNA của họ — chúng ta không thể biết có bao nhiêu vượn nhân hình sở hữu bộ gen đặc trưng của người Neanderthal hay người Denisova, Schwartz lập luận. Do đó, ông nói, chúng ta không cách nào biết được trình tự sắp xếp DNA trích từ Neanderthal liệu có dành riêng cho Neanderthal hay không.
“Pääbo và đội ngũ của anh có trình độ chuyên môn rất cao,” Schwartz nói, “Tôi không nghi ngờ gì về việc họ đã rất nỗ lực giữ cho trình tự sắp xếp không bị hỏng.” Tuy nhiên, ông nói tiếp, chúng ta còn thiếu DNA của nhiều vượn nhân hình khác. Bằng chứng chứng minh trình tự sắp xếp DNA trong mẫu vật lấy từ Neanderthal là của riêng Neanderthal cũng vì thế mà không còn đáng tin nữa, ông lập luận, và do đó, luận điệu rằng giữa Neanderthal và H. sapiens có sự lai trộn vẫn còn rất đáng ngờ.
“Tôi không có ý nói rằng các phép đối chiếu và trình tự DNA là không đúng,” Schwartz nói, “Tôi chỉ muốn nói rằng các kết luận còn chưa vững chắc.”
Schwartz hoài nghi rằng Neanderthal và H. sapiens có thể nhận nhau làm bạn tình: “Neanderthal trông không giống chúng ta; chúng ta trông không giống Neanderthal; họ không di chuyển như cách chúng ta di chuyển,” ông cho biết. Thêm vào đó, “mùi cơ thể của họ gần như khác hoàn toàn chúng ta.”
Cho tới thời điểm hiện tại, câu trả lời cho việc liệu H. sapiens và H. neanderthalensis có phải một loài hay không vẫn còn đang là vấn đề gây nhiều tranh cãi (cùng với toàn bộ đống khái niệm hỗn độn của ‘loài’). Nhưng thông điệp lớn hơn mà ta nhận được từ mỗi làn sóng phát kiến lại rất đơn giản: Mặc dù có một đoạn lịch sử dài không mang các đặc điểm của ‘người ở hang’, H. neanderthalensis có lẽ rất giống chúng ta.
Cuộc gặp gỡ đầu tiên của H. sapiens và Neanderthal rất có thể đã diễn ra tại vùng đất mà nay là Israel. Cũng giống như hang Misliya giúp xác định thời điểm xuất hiện lần đầu tại vùng đất này của những người có đặc điểm giải phẫu giống người hiện đại, người ta cũng tìm thấy các công cụ gắn liền với Neanderthal như mũi mác và lưỡi dao trong các hang động khác ở Israel.
Nhưng vẫn còn rất nhiều bí ẩn. Liệu H. sapiens và Neanderthal có thì thầm những lời mật ngọt dưới tán lá của cây dẻ cười? Liệu có những lời tán tỉnh thầm kín, những cái vuốt má, hay pheromone để thu hút đối phương hay không? Tất cả chỉ là suy đoán.
(ND: Pheromone là những chất được sử dụng như những tín hiệu hóa học giữa các cá thể cùng loài, những chất này được tiết ra ngoài cơ thể côn trùng và có thể gây ra những phản ứng chuyên biệt cho những cá thể khác cùng loài.)
Người Neanderthal rất thông minh, họ là những người chế tạo công cụ lao động lành nghề. Chúng ta không biết liệu họ có ngôn ngữ hay không, bởi vì mặc dù họ có cấu trúc thanh quản giống chúng ta, các mô mềm liên quan đến thanh quản — khu vực thuộc cổ họng có chứa dây thanh quản — vẫn không được duy trì.
H. sapiens và Neanderthal có chung thiên hướng thẩm mĩ. Người Neanderthal làm đồ trang sức từ răng động vật, vỏ sò và ngà voi. Họ trang hoàng bản thân bằng lông vũ, và có thể cả bằng thổ hoàng nữa.
Một số học giả hoài nghi rằng chính các cuộc chiến đẫm máu giữa H. sapiens và Neanderthal đã đẩy Neanderthal từ vùng Levant ấm áp đến một châu Âu phủ băng. “Thế giới gần như trống rỗng”, Hershkovitz nói, “Cá nhân tôi cho rằng — có thể sẽ chẳng mấy ai đồng ý với cách nhìn này đâu — những Neanderthal Âu châu không còn lựa chọn nào khác.”
Dù Hershkovitz từ chối phỏng đoán xem liệu phụ nữ Neanderthal có bị ép buộc quan hệ tình d.ục hay không — hiếp d.âm được sử dụng như một loại vũ khí chiến tranh ở nhiều thời kì nhằm trừng phạt và làm đối phương khiếp sợ — ông cũng lộ ý, “Tôi không nghĩ đó là một cuộc hôn phối hạnh phúc.”
Những người khác, trong đó có Schraiber, thừa nhận một cuộc gặp gỡ hòa bình hơn. “Tôi cho rằng, khi con người chạy lại gần một thứ mơ hồ giống-con-người, họ sẽ nghĩ, ‘Thật tuyệt quá,’” ông suy đoán. Nhưng, ông lại tỏ ra lưỡng lự, “Tôi thực tình không biết, liệu H. sapiens và Neanderthal có thì thầm những lời mật ngọt dưới tán lá của cây dẻ cười hay không? Chúng ta chỉ có thể suy đoán. Nhất là khi tôi không phải một nhà nhân chủng học, tôi chỉ biết về di truyền học thôi.”
Ít nhất có một nhà nghiên cứu đã tiến được xa hơn. Đó là nhà sinh học tính toán Rasmus Nielsen trực thuộc Đại học California, Berkeley. Ông đã đưa ra một giả thuyết, rằng người Neanderthal chưa bao giờ tuyệt chủng. Nói cách khác, thay vì chết dần chết mòn dưới cú giáng của bạo lực hay cơn đói, dân cư Neanderthal đã lai với H. sapiens.
Bằng các mô hình toán học, Nielsen cùng cộng sự của mình là Kelley Harris đã lập luận rằng, tại một thời điểm nào đó, tỉ lệ DNA của Neanderthal trong cơ thể con người đương đại đã lên tới 10% — và tỉ lệ này giảm dần theo thời gian. Con số 10% rất đáng chú ý, bởi các nhà nghiên cứu khác đã ước tính so sánh lực lượng của H. sapiens so với Neanderthal là 10 : 1. Do đó, Nielsen lập luận, hai loài này có thể đã giao cấu tới một mức độ khiến họ hòa quyện lẫn nhau.
Tuy nhiên, theo thời gian, người hiện đại dần đánh mất một lượng đáng kể DNA của Neanderthal, có lẽ bởi chúng mang đột biến có hại. Thật vậy, một nhóm nghiên cứu khác, bao gồm Pääbo, phát hiện thấy phần lớn gen của Neanderthal tồn tại trong cơ thể H. sapiens tại các khu vực DNA không mã hóa. “Các vùng mang chức năng quan trọng nhất — gen mã hóa protein — đã hoàn toàn vắng bóng DNA của Neanderthal,” Nielsen cho biết.
Trong một buổi hỏi đáp với Tạp chí BMC Biology, Nielsen và Harris viết: “Có lẽ Neanderthal không hề chết. Họ chỉ đơn giản là tan chảy cùng loài người. Người ta có thể lập luận rằng Neanderthal không biến mất vì chiến tranh hay cạnh tranh — mà là vì tình yêu.”
Nếu như hai người đúng, thì dù chúng ta là một hay hai loài cũng chẳng còn quan trọng nữa, vì cuối cùng chúng ta cũng hòa làm một rồi.
*Chú thích của biên tập viên: Nhiều nhà nhân chủng học sử dụng thuật ngữ ‘con người’ để chỉ cả Homo Sapiens và các vượn nhân hình khác trong cây phả hệ của chúng ta. (Nói cách khác, đối với một vài học giả, Neanderthal luôn là một ‘con người’, một thành viên của chi Homo. Trong câu chuyện phía trên, chúng tôi sử dụng thuật ngữ ‘con người’ để chỉ một chi chung, trong khi sử dụng ‘H. sapiens’ để chỉ loài sống duy nhất trong dòng dõi Homo, và ‘người hiện đại’ để chỉ ‘toàn bộ người sống đương thời’.
———————————
Were Neanderthals More Than Cousins to Homo Sapiens? by @SAPIENS_org https://link.medium.com/e4Dsfr2Wv7