3 thế lực tâm lý thường chế ngự tâm trí bạn

Mặt đẹp đẽ và đáng sợ của khoa học chính là, bất kể ý kiến của bạn là gì, nó vẫn là sự thật.

Tuy nhiên, ngay cả khi xem xét bên trong khoa học, người ta cũng ít khi tuyên bố đúng tuyệt đối. Mục đích luôn luôn là chứng minh điều gì đó chính xác với tỷ lệ 99,99% với càng nhiều số thập phân đằng sau càng tốt. Đây là lý do tại sao thật dễ thấy nhiều lý thuyết không trở thành định luật.

Điều kể trên cũng đúng trong tâm lý, nơi chúng ta chẳng có khả năng xa xỉ quan sát hòn đá đập vào đầu để chứng minh sự tồn tại của lực hấp dẫn. Tuy nhiên vẫn có những lý thuyết đang vận động tích cực trong thế giới xung quanh và tác động đến cuộc sống hàng ngày của bạn theo những cách bạn không ngờ tới.

Dưới đây là 3 trong số đó.

LÝ THUYẾT ĐƯỜNG HẦM THỰC TẠI (REALITY TUNNEL)

Tưởng tượng bạn đang đi về nhà xuyên qua một con đường tấp nập trong thành phố. Bạn đã ở đó cả ngày dài. Bạn chuẩn bị về nhà. Đột nhiên, trời bắt đầu mưa và bạn nguyền rủa cái số đen như mực của mình vì còn cách tận nửa dặm nữa bạn mới về đến nhà.

Khi bạn đang đi bộ bên đường, bạn thấy một người đàn ông đang tới gần mình. Trên môi ông ta nở nụ cười tươi tắn khi mưa dần khiến bộ quần áo đẹp đẽ của ổng ướt nhẹp. Cả hai chạm mắt nhau khi tiến dần hơn tới đối phương.

Giờ, bạn là người đàn ông ấy. Bạn đang nhìn vào bạn của lúc nãy – cô ấy hoặc anh ấy đang trề môi ra khi đi bộ trong làn mưa. Trong khi đó, bạn đang cực kỳ hạnh phúc vì mưa như một nhân tố hài hước bổ sung cho một ngày vốn đã quá đủ sự kỳ lạ của bạn. Mưa gợi nhớ bạn về tuổi thơ của mình. Cũng giúp bạn cảm thấy thư giãn.

Khái niệm này được gọi là đi qua đường hầm thực tại. Mỗi người nhìn thế giới thông qua chính lăng kính kinh nghiệm, giáo dục, giá trị và tâm trạng riêng. Bởi vì mọi người đều có cho mình một đường hầm riêng nên không có một chân lý/sự thực chung nào ở đây cả. Tuy nhiên, hầu hết mọi người đều thất bại trong việc nhận thức điều này, họ đánh giá nhau bằng những hành động và giả định thiển cận.

Bên dưới là một trong những ví dụ về đường hầm thực tại. Thử nhìn vào bức hình bên dưới, bạn thấy gì? Hãy nhìn hình trước khi đọc đoạn bên dưới nhé. (hình 1)

Nếu bạn giống tôi, giống như nhiều người trưởng thành khác, bạn thấy một cặp tình nhân. Trong khi hầu hết bọn trẻ thấy 9 con cá heo (bạn có thể thử test với mọi người xem sao).[1] Đó là bởi vì trẻ con ngây thơ hơn và chưa từng trải qua việc yêu đương.

Bạn phải hiểu rằng, ở một mức độ sâu hơn, mỗi người trên thế giới này đều không phải là bạn. Hầu hết việc hiểu sai và nhầm lẫn về hành động hoặc phản ứng của một người đều xuất phát từ giả định sai lầm này.

Bạn không phải họ nhưng cũng hãy nhớ rằng bạn có thể dễ dàng trở thành họ, được nhào nặn thông qua kinh nghiệm và cảm xúc của họ. Nếu bạn tưởng tượng mỗi người bạn gặp, khi bạn đặt mình vào họ, có lẽ bạn sẽ học được một cách đồng cảm mới.

TÌNH HUỐNG KHÓ XỬ CỦA LOÀI NHÍM (HEDGEHOG’S DILEMMA)

Nhím thích thời tiết ấm hơn nhưng cũng có thể thích nghi với các điều kiện thời tiết không phù hợp với chúng. Thường thường, chúng sẽ xếp lại gần nhau để giữ ấm. Tuy nhiên điều này lại cho thấy một khó khăn khác, đó là chúng sẽ có thể đâm vào nhau. Cuối cùng chúng sẽ phải giải tán khỏi sự khó chịu ấy trước khi có thể xích lại gần nhau hơn vì lạnh.

Tình huống khó xử của loài nhím thể hiện sự tương đồng rõ ràng với sự thân mật ở người. Tất cả chúng ta đều mong muốn được yêu thương và có những kết nối sâu sắc hơn. Nhưng làm điều ấy cũng sẽ khiến chúng ta tổn thương. Các nhà tâm lý học nổi tiếng như Freud và Schopenhauer đã tiền hành nghiên cứu sâu hơn, họ phát hiện ra rằng con người thường bị xã hội ruồng bỏ (bị dày vò) một cách gay gắt, nhiều người trở nên ngày càng ít tìm kiếm sự ấm áp hơn trong khi những người lạc quan tìm cách vượt qua và sau đó tìm thấy niềm vui, sự thoải mái bên cạnh người khác.

Nhà giáo sĩ công giáo John Donne, thường bị trích dẫn sai thành Shakespeare, trong bài giảng của mình ông có viết, “Không có con người nào là một hòn đảo”. Bài phát biểu của ông chạm đến nhu cầu cần thiết của tất cả mọi người trong việc tìm kiếm tình yêu và sự kết nối với những người khác, đồng thời chấp nhận rủi ro tiềm tàng là sự thất vọng và đau lòng.

Có thể giải pháp đã được tìm ra nhờ vào nhà triết học người Đức Arthur Schopenhauer, ông đã kết luận về việc những con nhím bị lạnh cần được sưởi ấm như thế này: “Tốt nhất là chúng nên tránh xa nhau ra một chút” [2]

Hãy tìm kiếm và nuôi dưỡng các mối quan hệ có thể để cho nhau không gian riêng, với một trái tim đủ nhân hậu để tha thứ khi chúng ta làm tổn thương nhau. Đừng trở thành những con nhím khổ hạnh.

LÝ THUYẾT QUY TẮC DẦN DẦN (CREEPING NORMALITY)

Khi người Châu Âu đặt chân tới đảo Phục Sinh vào năm 1772, họ đã bị sốc khi nhìn thấy một hòn đảo cằn cỗi, sinh sống bởi một bộ tộc cổ, với số người chỉ vỏn vẹn 2000 người định cư tại một ngôi làng xơ xác cạnh bãi biển.

Giả thuyết chính được đưa ra về sự sụp đổ của xã hội là hàng trăm năm trước đó, người dân trên đảo đã bắt đầu đốn quá mức những cây cọ ở đảo Phục Sinh, chủ yếu để chuyển các tảng đá đầu người nguyên khối tới địa điểm cao hơn mặt đất. Họ sử dụng các khúc gỗ để lăn chúng trên mặt đất, tương tự như việc xây dựng kim tự tháp. (hình 2)

Việc này gây ra hiệu ứng phá hủy dây chuyền:

  • Việc đốn quá nhiều cây cọ ở đảo tạo điều kiện cho chuột sinh sôi nảy nở, sau đó chúng ăn hết hạt. Cây cọ bị tuyệt chủng.
  • Không có cọ trên đảo để đóng thuyền và bắt cá, người trên đảo chuyển sang săn chim.
  • Khi chim dần tuyệt chủng, những loại thực vật, cây cỏ khác không được thụ phấn. Lần lượt hầu hết các loại rau và cây cối khác chết dần.
  • Những điều trên dẫn đến sự sụp đổ trong nguồn cung thức ăn và người trên đảo cũng chết dần.

Tại sao người dân trên đảo lại đốn quá mức và gây ra sự diệt chủng cho chính mình?

Nó xảy ra một cách chậm rãi theo thời gian và họ không nhận thấy mọi thứ đang trong quá trình bị tàn phá. Đây là bản chất của “Creeping Normality”, nó len lỏi vào cuộc sống của mỗi người khi đọc cái này.[3]

Tôi sẽ đưa ra một ví dụ cá nhân. Tôi không thể nhớ chính xác khi cuộc hôn nhân của mình tốt đẹp hay chuyển xấu là khi nào. Nhưng có một thời điểm khi mối quan hệ của chúng tôi cực tồi tệ và nó đã tồi tệ như thế trong khoảng thời gian dài. Hầu hết những người lý trí sẽ không thể chấp nhận rằng sự thay đổi này nếu nó xảy ra chỉ trong một đêm. Bởi lẽ câu chuyện của tôi không phải chỉ là một lần. Nhiều mối quan hệ độc và tiêu cực là kết quả của một liều thuốc độc nhỏ giọt chậm rãi.

Nào giờ tới lượt bạn. Bạn có từng bị Creeping Normality xâm nhập, ảnh hưởng xấu tới cuộc sống hay chưa? Ngay cả khi câu trả lời là không, thì đây cũng là điều nên được ghi nhớ. Đôi khi dường như cuộc sống của bạn trở nên tồi tệ chỉ sau một đêm, nhưng hiếm khi tình trạng này xảy ra. Dù vậy, hãy cảnh giác.

TÓM LƯỢC LẠI CHÚT XÍU

Hãy nhớ để mắt tới 3 thế lực này:

1.Reality Tunnel (Đường hầm thực tại)

Mỗi trải nghiệm của một người trong thực tế là riêng biệt mà không phải ai cũng từng có được. Đừng giả định rằng mình hiểu thấu loài người. Một trong những cách để đồng cảm chính là nhận ra có thể những điều bạn nhìn thấy chỉ là vẻ ngoài của một ai đó.

2. Hedgehog’s Dilemma (Tình huống khó xử của loài nhím)

Bạn sẽ bị tổn thương bởi những người thân gần với bạn nhất. Nhưng đừng vì điều ấy mà ngăn bản thân gần gũi với người khác. Nếu không, bạn sẽ trở nên cô độc.

3. Theory of Creeping Normality (Thuyết quy tắc dần dần)

Hầu hết các hoàn cảnh tồi tệ là kết quả của việc con người cho phép các thay đổi tồi tệ dần phức tạp theo thời gian. Khống chế cuộc sống và ngăn chặn sự trượt dốc trước khi mọi thứ ngoài tầm với.

Nguồn tham khảo:

[1] Wilson, Robert (1993) Quantum Psychology: How Brain Software Programs You & Your World

[2] Maner, J.K., (2007) Does social exclusion motivate interpersonal reconnection?

[3] Jared Diamond (2005) Collapse: How Societies Choose to Fail or Succeed

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *