Hầu hết tất cả chúng ta đều có mục tiêu và ước muốn, to có, nhỏ nhiều. Đôi khi ta cảm thấy có thể hoàn thành chúng một cách dễ dàng, nhưng đôi khi thật khó để giữ phong độ ấy. Về căn bản, động lực là ham muốn hành động để đạt được mục tiêu nhất định. Nó thường là lý do con người quyết định làm một thứ gì đó hoặc không. Ngoài ra nó cũng là nguyên nhất quyết định cách hành xử của con người. Về mặt khoa học thì động lực liên quan đến sinh học, cảm xúc, nhận thức và thậm chí nó còn có quan hệ với xã hội, môi trường xung quanh ta.
Đã có vô vàn các nghiên cứu về động lực nhưng có một mô hình đã được xác thực thực nghiệm và có thể sử dụng – một cách dễ dàng – để hiểu rõ lý do tại sao bạn lại mất động lực. Giả thuyết này là mô hình 3C của động lực (3C = 3 components. tạm dịch: 3 thành phần của động lực)
_______________________________
Mô hình 3C được phát triển bởi giáo sư Hugo M. Kehr tại Đại học California, Berkeley. Điểm mạnh của mô hình 3C là nó giới thiệu tổng quát về tất cả các yếu tố ảnh hưởng đến nguồn động lực của con người. Nó bao gồm:
- Động cơ bề nổi: Là những động cơ chúng ta tự đặt ra cho bản thân. Động cơ này nằm ở lớp nhận thức
- Động cơ ngầm: Là những lý do vô thức lý giải tại sao chúng ta lại hành xử theo một cách nào đó
- Nhận thức của chúng ta về khả năng của chính mình.
Để dễ hình dung hơn, giáo sư Kehr đã sử dụng phép ẩn dụ cho 3 thành phần trên. Đó là cái đầu, trái tim và bàn tay. Trong phép ẩn dụ ấy:
- Cái đầu: tượng trưng cho các ý định chủ tâm, các mục tiêu của bản thân và sự kiên quyết hành động để đạt được các mục tiêu ấy.
- Trái tim: nói đến cảm xúc của chúng ta. Nó không chỉ bao gồm các nhu cầu, động cơ ở lớp vô thức nhưng còn liên quan đến cảm xúc của ta (như vui, chán nản, thoả mãn,…) khi làm một công việc nào đó.
- Bàn tay: tượng trưng cho kỹ năng, khả năng, kiến thức và kinh nghiệm cần thiết để hoàn thành mục tiêu.
3 thành phần này luôn hiện hữu khi ta mong muốn đạt được mục tiêu nào đó và nó sẽ quyết định mức độ quyết tâm, động lực của bạn. Ở trường hợp tốt nhất, 3 thành phần này đều được thoả mãn và bạn tràn đầy động lực để hoàn thành công việc. Tuy nhiên, ở những trường hợp chỉ có 1 hoặc 2 thành phần được thoả mãn thì động lực sẽ không còn mạnh, có thể gọi là mất động lực.
Trong những trường hợp như vậy, chúng ta thường sẽ chọn giải pháp tạm thời và buộc bản thân làm cho xong việc. Giải pháp ấy “tạm thời” vì nó không bền vững và thậm chí có thể khiến ta kiệt sức. Một cách tiếp cận bền vững hơn là hãy “chẩn đoán” nguồn cơn của sự mất động lực đó.
CHẨN ĐOÁN NHƯ THẾ NÀO?
Bằng cách đặt 3 câu hỏi dựa trên 3 thành phần được nhắc bên trên, bạn có thể dễ dàng tìm ra lý do tại sao bạn lại mắc phải bệnh mất động lực. Hãy thử hỏi bản thân 3 câu hỏi này mỗi khi bạn thấy mình mất động lực.
- Cái đầu: “Đầu việc này có thực sự quan trọng hay liên quan đến mục tiêu lớn của mình hay không?”
- Trái tim: “Mình có thấy thích thú, thoả mãn khi làm đầu việc này hay không?”
- Bàn tay: “Kỹ năng, kinh nghiệm, kiến thức của mình có phù hợp để giải quyết đầu việc này không?”
Dựa trên câu trả lời thì bạn đã đủ dữ kiện để biết được lý do vì sao mình thiếu động lực để hoàn thành một đầu việc nào đó. Đã biết rõ bệnh nằm ở đâu thì việc bạn cần làm là uống đúng thuốc chữa bệnh.
Ví dụ nếu câu bệnh ở Trái tim và bạn nghĩ đầu việc không mấy thích thú thì hãy đổi góc nhìn để thấy mọi thứ ở tâm thế khác. Ở trường hợp khác, nếu bạn nghĩ mình không đủ kỹ năng để hoàn thành đầu việc thì bạn có thể nhờ sự tư vấn, tập luyện hay trợ giúp từ người thân hoặc đồng nghiệp. Vân vân và vân vân. Hãy sáng tạo ra các bài thuốc cho riêng mình.
_______________________________
Dịch: Minh Duy