Phượt xuyên Việt của nữ phượt thủ: Chinh phục tứ đại đỉnh đèo Việt Nam khiến dân mạng ngưỡng mộ
Kiều Trinh cho biết: “Lần trước tôi đã có chuyến phượt xuyên Việt và chinh phục 1 đỉnh đèo, lần này tôi chinh phục nốt 3 đỉnh đèo còn lại trong tứ đại đỉnh đèo Việt Nam.
Tôi xuất phát từ cung biển Phan Thiết đến Huế đi qua Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hoà, Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng, Huế. Từ Huế men theo đường Hồ Chí Minh đi qua Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hoá.
Tôi đi qua các địa danh như Pù Luông (Thanh Hoá), bến Vạn Yên, Tà Xùa (Sơn La) tại đây tôi đã chinh phục sống lưng khủng long bằng xe máy, rồi đi đèo Khâu Phạ, Mù Cang Chải (Yên Bái), Mường Thanh (Lai Châu), đèo Ô Quý Hồ, Sapa (Lào Cai), đèo Pha Đin, Vân Hồ (Sơn La), Mai Châu (Hoà Bình).
Và quay trở về theo đường Hồ Chí Minh Tây. Từ Phong Nha (Quảng Bình) đi đến Khe Sanh (Quảng Trị) đoạn này hầu như không có tín hiệu sóng rồi đến Huế, Quảng Nam qua 2 hầm A Roàng (Hầm đường bộ A Roàng là hệ thống 2 hầm trên Đường Hồ Chí Minh (quốc lộ 14) nối huyện A Lưới tỉnh Thừa Thiên Huế với huyện Tây Giang tỉnh Quảng Nam). Rồi từ Quảng Nam về Kon Tum dừng lại ở Măng Đen. Sau đó về Tà Đùng (Đắk Nông) kết thúc tại Sài Gòn”, Kiều Trinh nói.
Hỏi Kiều Trinh chuyến đi của cô có gặp sự cố hay nguy hiểm nào khiến cô lo sợ?
Kiều Trinh cho biết, cô gặp một vài sự cố và lo lắng khi chạy đường đèo trong đêm tối. “Trong hành trình phượt xuyên Việt 15 ngày, ngày tôi chạy nhiều nhất là từ Sa Pa đi vòng lên Lai Châu rồi đi quốc lộ 12 về Mường Lay, đi đèo Pha Đin về Mai Châu với hơn 600km hầu hết là đường đèo. Xuất phát từ Sa Pa là 7h sáng, tôi chạy một mạch, không ăn, không nghỉ, chỉ dừng xe đổ xăng, mặc áo mưa và rửa xe về đến phòng nghỉ ở Mai Châu là 19h30.
Và cung đường trở về từ Phong Nha (Quảng Bình) đến Khe Sanh (Quảng Trị), rồi từ Huế đến Quảng Nam, đây là đường sát biên giới Việt Nam – Lào. 18h tôi vẫn đang trên đường đèo tiến về Quảng Nam. Trời thì tối, điện thoại không sóng, không mạng, không người đi đường, cũng không có nhà dân, chỉ có mình tôi với hai bên là một màu tối đen với nhiều sương mù, âm thanh duy nhất tôi nghe là tiếng xe vang lên 2 bên vách núi.
Tôi khá lo lắng, vừa chạy tôi vừa nghĩ, nếu xe gặp vấn đề gì mình chỉ có thể ngủ giữa đường hay run rủi gặp phải những người vượt biên, sẽ không biết có chuyện gì xảy ra. Hoặc chẳng may gặp phải trâu, bò nằm ngủ giữa đường, trong khi cung đường này ban ngày đã vắng, ban đêm còn vắng hơn, cơ hội gặp người đi đường càng khó, vậy nhỡ gặp những rủi ro thì biết cầu cứu ai. Tuy nhiên, dù lo lắng là thế, tôi cũng không thể quay đầu, không thể dừng xe vì không có nhà nghỉ, khách sạn nên không còn cách nào khác, tôi bắt buộc phải tiếp tục chạy xe tiến về phía trước.
Khi chạy hết đường đèo, nhìn thấy thị trấn huyện Đông Giang (tỉnh Quảng Nam) tôi cảm thấy mừng, nghĩ mình đã thoát, thế nhưng đúng lúc tôi nghĩ như vậy thì tôi bị ngã, bởi đoạn này đường bị sạt lở do mưa, lũ trước đó. May mắn, người tôi không bị làm sao nhưng tôi cũng không thể nâng chiếc xe lên được, tôi bỏ xe lại, đi bộ đến thị trấn nhờ người giúp đỡ. Đó là những kỷ niệm sẽ không bao giờ quên trong chuyến đi lần này. Giờ nghĩ lại tôi thấy mình khá liều và chủ quan”, Kiều Trinh cho biết.
Phượt xuyên Việt đã cho cô gái 24 tuổi rút ra nhiều bài học, kinh nghiệm
Là cô gái đam mê phượt, thích khám phá các cảnh đẹp Việt Nam từ khi còn học cấp hai cho đến khi tốt nghiệp Đại học, Kiều Trinh đã có nhiều chuyến đi phượt, từ loanh quanh trong tỉnh, các tỉnh lân cận và chuyến phượt xuyên Việt đầu tiên đến Hà Giang.
Và cũng như bao người khác, mỗi chuyến đi, cô không chỉ được ngắm cảnh đẹp, sự hùng vỹ của thiên nhiên mà chuyến đi còn cho cô thêm nhiều kiến thức, hiểu hơn về văn hóa, lịch sử, khám phá kiến trúc tuyệt đẹp của các ngôi chùa Chăm Pa, của người Khmer. Và ở mỗi chuyến đi, cô gái 24 tuổi này đã rút ra cho mình nhiều bài học, nhiều kinh nghiệm hơn.
Kiều Trinh cho hay: “Chuyến đi phượt xuyên Việt lần này đã cho tôi bài học không nên chủ quan, với câu nói: “Những nguy hiểm thường xảy ra vào lúc mình nghĩ an toàn nhất”.
Cũng vì thế mà khi tôi chạy xe đến địa phận huyện Đông Giang (tỉnh Quảng Nam), tôi nghĩ đã an toàn nên không tập trung lái cung đường này nên mới để xảy ra sự cố ngã xe.
Bài học thứ hai tôi nhận ra nữa, đó là không nên nhận định chủ quan về một sự việc nào đó khi mình thực sự hiểu, biết hết sự việc đó. Ví dụ, trước đây, tôi vẫn nghĩ Thanh Hóa không có gì đẹp ngoài bãi biển Sầm Sơn ồn ào, thế nhưng tôi đã nhầm. Khi tôi đến Pù Luông, tôi đã rất bất ngờ bởi vẻ đẹp của nó. Tôi chợt thấy sự hiểu biết của mình hạn hẹp, đưa ra góc nhìn phiến diện.
Có thể Pù luông không nhiều ruộng bậc thang đẹp như Mù Cang Chải, không nhiều mây như Tà Xùa, nhưng Pù Luông lại có nét đẹp rất riêng, rất vừa đủ (người Thuỵ Điển hay gọi là Lagom) khi cũng có mây, có núi nhưng lại không quá lạnh giá rét.
Điều thú vị hơn nữa, nơi đây không có khoảng cách, sự khác biệt giữa nhà dân và khu du lịch như ở nhiều địa điểm du lịch khác. Nơi đây người dân vừa làm du lịch nhưng vẫn giữ đúng cách sống thường ngày và công việc hằng ngày của họ. Ở bất kì chỗ nào du khách cũng cảm thấy mình gần với ruộng và thấy được người dân canh tác, thấy sinh hoạt của người dân, khiến cho du khách cảm thấy được hòa mình vào với đời sống người dân nơi đây, cho du khách cảm giác bình yên, thảnh thơi”, Kiều Trinh tâm sự.
Kể về sự chuẩn bị cho chuyến đi phượt xuyên Việt, Kiều Trinh nói: “Tôi chuẩn bị các vật dụng cần thiết cho cả xe và người. Trước tiên, tôi chuẩn bị quần áo. Quần áo nhẹ, mỏng, chất liệu thoáng đặc biệt mau khô và ít nhăn. Thời tiết tại Việt Nam đa phần là nắng nóng, khá ít vùng lạnh nên tôi chỉ mang 1 chiếc áo giữ ấm và nghĩ thêm phương án mặc nhiều lớp khi quá lạnh.
Phụ kiện cá nhân, tôi lựa chọn đem theo móc gấp gọn và một ít xà phòng để giặt đồ, vì đôi khi giặt sấy không khô ngay được, tôi có thể tự giặt và chất liệu vải đã phát huy tác dụng.
Phụ kiện xe, tôi không thể tự sửa chữa xe nhưng đem theo vài món cơ bản phòng khi các chi tiết bị long do đường xấu, tôi có thể tự siết lại. Tôi chọn 2 bộ lục giác và đã dùng đến nó khi gặp sự cố ngã xe ở vùng sạt lở. Ngoài ra tôi chuẩn bị bộ vá xe dành cho loại vỏ không ruột, và tôi cũng đã sử dụng nó được 4 lần, tuy nhiên không khả quan cho những vết to nhưng có thể giúp tôi di chuyển đến trung tâm.
Kèm theo nó là bộ bơm tự động sử dụng pin, và cuối cùng là một chiếc kềm đa năng để có thể hỗ trợ lực khi cần thiết.
Đồ công nghệ đồng hành cùng tôi là chiếc Gopro, pin dự phòng cho Gopro, cây gậy đa năng, tripod, 2 máy ảnh và ống kính, ổ cứng để chuyển dữ liệu và quan trọng chính là dây sạc và sạc dự phòng. Cuối cùng là túi y tế, áo mưa”.
Nói về chi phí chuyến đi, Kiều Trinh bảo, cô luôn có một khoản tiết kiệm dừ trù, phòng ngừa những rủi ro cũng như những phút ngẫu hứng, tôi không đặt một giới hạn nào đó về khoảng chi tiêu cho chuyến đi, vì tôi nghĩ mỗi chuyến đi là một trải nghiệm, đôi khi nó không đến lần hai, nên tôi sẽ chơi và chi tiêu trong khả năng của mình và tổng chi phí cho chuyến đi phượt xuyên Việt là khoảng 30.000.000 đồng.