Chuyện gì sẽ xảy ra nếu Mặt Trăng đột nhiên biến mất?
Cuộc sống như chúng ta từng biết sẽ chẳng còn tồn tại
————————
Tác giả: Morgan McFall-Johnsen
Mặt Trăng không chỉ là gương mặt xinh đẹp cho chúng ta nhìn ngắm vào mỗi đêm. Nó còn giúp định hướng các dòng hải lưu, thuỷ triều, sự chuyển động của khí quyển và khí hậu trên toàn bộ Trái Đất. Thậm chí là cả độ nghiêng trục của hành tinh.
Vậy chuyện gì sẽ xảy ra với Trái Đất và loài người nếu Mặt Trăng đột nhiên biến mất? Liệu chúng ta sẽ sống sót chứ?
Thật buồn làm sao, câu trả lời có lẽ là không.
1. Ngay lập tức, chúng ta sẽ nhận ra rằng bầu trời đêm sẽ tối hơn rất nhiều.
Bề mặt của Mặt Trăng phản chiếu ánh sáng từ Mặt Trời, làm sáng bầu trời đêm của chúng ta. Nếu không có ánh sáng đó, bất kì khu vực nào không thể tiếp cận với các nguồn sáng nhân tạo sẽ trở nên tăm tối hơn rất nhiều. Ví dụ như các vùng nông thôn hoặc các khu cắm trại trong rừng sẽ trở nên nguy hiểm hơn khi đi qua vào ban đêm.
2. Sự biến mất đột ngột của Mặt Trăng cũng khiến động vật bị bối rối.
Trong 1 bài nghiên cứu vào năm 2013 được đăng tải trên tờ báo Animal Ecology, các nhà nghiên cứu đã phát hiện rất nhiều loài động vật sử dụng thị giác làm phương thức chính để tương tác với thế giới vào ban đêm (sống sót 1 cách khôn ngoan) nhờ sự hiện diện của Mặt Trăng. Điều đó không gây quá nhiều ngạc nhiên, nhưng nó mang lại nhiều thông tin thú vị cho câu hỏi mà chúng ta đang tìm lời giải.
Với nhiều kẻ săn mồi như sư tử hoặc cú mèo, lợi dụng bóng tối cùng 1 chút ánh trăng là phương pháp săn mồi hiệu quả. Khi không còn Mặt Trăng, chúng sẽ gặp khó khăn trong việc tìm kiếm thức ăn.
Mặt khác, các loài gặm nhấm có xu hướng che giấu bản thân vào những đêm trăng sáng, bởi ánh trăng sẽ giúp những kẻ săn mồi phát hiện ra chúng. Khi không còn Mặt Trăng, chúng sẽ phát triển mạnh.
3. Sự khác biệt tiếp theo sẽ là thuỷ triều
Bởi Mặt Trăng nằm rất gần nên lực hấp dẫn của nó có tác động lên hành tinh chúng ta. Nó sẽ không mạnh như lực hấp dẫn mà Trái Đất dùng để giữ Mặt Trăng quay quanh quỹ đạo của mình, nhưng vẫn đủ lớn để kéo các đại dương của chúng ta chuyển động qua lại. Chúng ta gọi đó là “thuỷ triều”. Không có Mặt Trăng, thuỷ triều sẽ lên xuống với tốc độ chậm hơn nhiều, chỉ còn khoảng 1/3 hiện tại. Thuỷ triều sẽ không ngừng hẳn vì Mặt Trời cũng tác động lực hấp dẫn lên các đại dương, tuy nhiên không nhiều như Mặt trăng.
Việc giảm đi 2/3 thuỷ triều sẽ làm thay đổi mạnh mẽ các hệ sinh thái ven biển, có khả năng phá huỷ phần nhiều trong số chúng và làm gián đoạn dòng chảy của nước, năng lượng, khoáng sản và các tài nguyên khác. Gần như toàn bộ hệ sinh thái tồn tại trong các khu vực đại dương nằm giữa khoảng thuỷ triều lên cao và xuống thấp sẽ bị ảnh hưởng: nhiều loài cua, ốc sên, trai, sao biển và tảo phụ thuộc vào sự lên xuống hàng ngày của thuỷ triều để sinh tồn. Những loài thuộc hệ sinh thái này nằm trong chuỗi thức ăn cho nhiều loài chim di trú và những động vật có vú sống trên cạn như gấu, gấu mèo và hươu.
Sự chuyển động của thuỷ triều cũng giúp thúc đẩy các dòng hải lưu, phân phối dòng nước ấm và lượng mưa, ảnh hưởng trực tiếp tới thời tiết toàn cầu. Không có chúng, thời tiết ở nhiều khu vực sẽ trở nên cực kỳ khắc nghiệt.
Do tạo ra được sự ổn định khí hậu, các Mặt Trăng lớn là 1 trong những yếu tố chính mà các nhà khoa học tìm kiếm khi xác định liệu 1 hành tinh có thể tồn tại sự sống.
“Một hành tinh bên ngoài Hệ Mặt Trời phải có Mặt Trăng với kích thước đủ lớn để hệ thống thời tiết có thể ổn định và tạo ra các nền văn minh như chúng ta. Không có các thiên thể này, sự sống như chúng ta từng biết có thể sẽ chẳng tồn tại nổi.” – Jack Burns, người đứng đầu Mạng lưới Khám phá Khoa học vũ trụ tại đại học Colorado, Boulder.
4. Trục nghiêng Trái Đất
Thiếu đi Mặt Trăng thậm chí có thể gây ra những biến đổi trên quy mô lớn và lâu dài hơn. Nếu không có lực hấp dẫn của Mặt Trăng giữ Trái Đất ở đúng vị trí, độ nghiêng trục hành tinh của chúng ta có thể thay đổi mạnh mẽ theo thời gian. Có thể coi Sao Hoả như ví dụ điển hình về việc biến đổi khí hậu 1 cách cực đoan khi độ nghiêng trục bị thay đổi đáng kể. Nó xảy ra bởi quanh nó không có Mặt Trắng lớn và ổn định để ngăn chặn việc đó.
5. Loài người
Ở cấp độ loài người, chúng ta sẽ mất đi 1 nguồn cảm hứng trong thơ ca và những thông tin khoa học hữu ích.
“Chúng ta may mắn khi có Mặt Trăng ở đó như 1 điểm đến dễ dàng tiếp cận. Nó thúc đẩy sự phát triển của chúng ta.” – Matt Siegler, nhà nghiên cứu tại phòng thí nghiệm của NASA.
Mặt Trăng đã dạy chúng ta nhiều thứ: nguồn gốc của trái Đất, cách các hành tinh hình thành và cả cách khủng long tuyệt chủng. Vẫn còn nhiều thông tin về Mặt Trăng mà có thể chúng ta đã bỏ lỡ.
Ơn trời, vẫn chưa có bằng chứng cho thấy Mặt Trăng sẽ tự huỷ hoặc va chạm với vật thể nào trong tương lai gần.
————————
Nguồn: link.medium.com/xyjz0aL3y6