14/5/1940 NGÀY HÀ LAN ĐẦU HÀNG PHÁT XÍT ĐỨC
Ngày hôm nay 14/5/2020 là vừa đúng 80 năm kể từ ngày quân đội Hà Lan hạ vũ khí đầu hàng quân Đức xâm lược.
Cuộc chiến đấu chống trả quân Đức của Hà Lan chỉ duy trì được 5 ngày (10/4 – 14/4). Mặc dù vậy, một số ít đơn vị Hà Lan ở vùng đầm lầy ven biển thuộc tỉnh Zeeland, cực nam Hà Lan vẫn tiếp tục chống trả quân Đức cho tới ngày 17/4.
CHUẨN BỊ CHO CHIẾN TRANH
Khi Adolf Hitler nắm quyền ở Đức và công khai phá vỡ hiệp ước Versailles, chính phủ Hà Lan cũng bắt đầu tái vũ trang nhưng tiến độ rất chậm chạp; chỉ đến năm 1936, ngân sách quốc phòng mới bắt đầu được tăng dần. Đức là đối tác thương mại quan trọng của Hà Lan nên các chính phủ Hà Lan liên tục né tránh việc công khai khẳng định Đức là kẻ thù chính của Hà Lan. Thủ tướng Hendrikus Colijn trong suốt thời gian cầm quyền từ 1933 – 1939 tin tưởng rằng nếu chiến tranh xảy ra, nước Đức sẽ tôn trọng sự trung lập của Hà Lan như hồi thế chiến I. Chính sách kiểm soát chi tiêu ngân sách chính phủ nghiêm ngặt của Colijin khiến cho việc gia tăng năng lực phòng thủ đất nước diễn ra chậm chạp và vô cùng khó khăn.
Khi Đức thôn tính Ba Lan năm 1939, quân đội Hà Lan nhận được lệnh tổng động viên nhưng bị bắt buộc phải cố thủ để bảo đảm tính trung lập của mình. Những khoản ngân sách bổ sung cho quốc phòng lại bị chi dùng phần lớn cho việc phòng thủ thuộc địa Đông Ấn Hà Lan (bây giờ là Indonesia) thay vì bảo vệ lãnh thổ Hà Lan ở châu Âu.
Trong một bài phát biểu trên đài phát thanh ngày 20 tháng 1 năm 1940, Winston Churchill đã cố gắng thuyết phục Hà Lan đừng cố thủ chờ đợi một cuộc tấn công không thể tránh khỏi của Đức mà hãy tham chiến cùng với Anh-Pháp. Cả người Bỉ và Hà Lan đều từ chối đề nghị của Churchill.
Bộ chỉ huy tối cao của Pháp đã cân nhắc vi phạm tính trung lập của Bỉ và Hà Lan nếu họ không gia nhập liên minh Anh – Pháp trước cuộc tấn công lớn của hai nước vào Đức, dự kiến sẽ diễn ra tận mùa hè năm 1941 nhưng Nội các Pháp vì sợ phản ứng tiêu cực từ dư luận nên đã phủ nhận ý kiến này. Hà Lan đã cố gắng nhiều lần đóng vai trò trung gian để đạt được một thỏa thuận hòa bình giữa liên minh Anh – Pháp và Đức nhưng thất bại.
Sau khi Đức xâm chiếm Na Uy và Đan Mạch, quân đội Hà Lan lúc này hiểu rằng việc đứng ngoài cuộc xung đột là không thể thực hiện. Mặc dù tình trạng khẩn cấp được ban hành nhưng hầu hết người dân vẫn từ chối chấp nhận thực tế là đất nước của họ sắp bị Đức thôn tính. Ngày 10 tháng 4, Anh và Pháp lặp lại yêu cầu rằng Hà Lan nên tham gia cuộc chiến về phía họ nhưng một lần nữa bị từ chối.
Nước Đức có một đội quân hiện đại với xe tăng và máy bay ném bom bổ nhào ( nhưJunkers Ju 87 Stuka ), trong khi Hà Lan chỉ có một đội quân nhỏ bé, trang bị lỗi thời thậm chí theo tiêu chuẩn của năm 1918 khi vừa kết thúc Thế chiến I. Lực lượng thiết giáp của Hà Lan có vỏn vẹn 39 xe thiết giáp và 5 xe tăng và một lực lượng không quân phần lớn là máy bay hai tầng cánh như hồi Thế chiến I. Thái độ của Chính phủ Hà Lan đối với chiến tranh đã được phản ánh trong trạng thái của các lực lượng vũ trang của họ, hầu như không tăng cường hiện đại hóa trang thiết bị mới kể từ Thế chiến I. Một số đơn hàng quốc phòng ít ỏi lại được đặt mua từ Đức và điều dễ hiểu là số vũ khí đó đã không bao giờ đến tay người Hà Lan.
Khi chiến tranh bắt đầu, hạn chế dễ thấy nhất của quân đội Hà Lan nằm ở lực lượng tăng thiết giáp. Hà Lan cần có được tối thiểu 146 xe tăng hiện đại nhưng một trung đội gồm năm xe tăng Carden-Loyd Mark VI lỗi thời mua từ Anh năm 1928 (trị giá tương đương 58.000 USD theo thời giá hiện nay) là tất cả những gì quân đội Hà Lan có trong tay để chiến đấu với xe tăng Đức. Mặc dù Hà Lan là nơi đặt trụ sở của Philips, một trong những nhà sản xuất thiết bị vô tuyến lớn nhất châu Âu, quân đội Hà Lan chủ yếu sử dụng kết nối liên lạc bằng dây điện thoại; chỉ có Pháo binh được trang bị số lượng khiêm tốn 225 đài radio vô tuyến. Huấn luyện quân sự cũng tồi tệ, suốt từ năm 1932 đến năm 1936, quân đội Hà Lan đã không tổ chức các cuộc diễn tập mùa hè để tiết kiệm chi tiêu. Cho đến năm 1938, những người nhập ngũ chỉ phục vụ trong 24 tuần, chỉ đủ thời gian huấn luyện bộ binh cơ bản
CHIẾN DỊCH FALL GELB
Vào sáng ngày 10 tháng 5 năm 1940, người Hà Lan thức dậy với tiếng động cơ máy bay gầm rú trên bầu trời. Đức đã bắt đầu Chiến dịch Fall Gelb tấn công Hà Lan, Bỉ, Pháp và Luxembourg. Ngay trong đêm, Luftwaffe (không quân Đức) đã xâm phạm không phận Hà Lan, đánh vào các sân bay và phá hủy nặng nề Không quân Hà Lan ngay từ ngày đầu tiên. Trong tổng số 155 máy bay, Hà Lan chỉ còn lại 70 máy bay vào cuối ngày.
Ngay sau vụ bắn phá, trong khoảng thời gian từ 04:30 đến 05:00 giờ địa phương, lính nhảy dù Đức đã hạ cánh gần sân bay nhằm chiếm giữ, tạo đầu cầu an toàn cho quân Đức đổ bộ.
Vào sáng sớm ngày 13 tháng 5, Tổng Tư lệnh quân đội Hà Lan, tướng Henri Winkelman (1876 – 1952) đã thông báo với chính phủ Hà Lan tình hình rất nghiêm trọng. Nội các quyết định tiếp tục cuộc chiến và cho phép Winkelman và quân đội đầu hàng khi thấy phù hợp để tránh những hy sinh không cần thiết. Toàn bộ gia đình Nữ hoàng Hà Lan rời đất nước trên chiến hạm HMS Codrington của Hải quân Anh, sau đó là tới lượt các bộ trưởng trong chính phủ trên chiến hạm HMS Windsor để thành lập chính phủ Hà Lan lưu vong ở London. Ba tàu buôn Hà Lan, được hộ tống bởi các tàu chiến Anh, đã chuyển các thỏi vàng và kim cương của chính phủ cho Vương quốc Anh.
Dù chính phủ đã rời khỏi đất nước nhưng ở nhiều nơi binh sĩ Hà Lan vẫn chống cự quyết liệt dù bị đối phương áp đảo như ở thành phố Rotterdam. Ngày 14 tháng 5, Luftwaffe quyết định tiến hành ném bom rải thảm Rotterdam, gây nhiều thương vong và trận hỏa hoạn sau đó đã phá hủy khoảng 24.000 ngôi nhà, khiến gần 80.000 cư dân mất nhà cửa. Thành phố phải đầu hàng lúc 15:50 chiều.
Winkelman ban đầu có ý định tiếp tục cuộc chiến nhưng trước nguy cơ các thành phố lớn của Hà Lan bị ném bom rải thảm như Rotterdam, ông quyết định đầu hàng lúc 16:50. Lúc 19:00 tướng Winkelman đã có bài phát biểu trên đài phát thanh thông báo cho người dân Hà Lan về quyết định này. 05:00 sáng ngày 15 tháng 5, một đại diện của Đức đã đến The Hague mời Winkelman tới Rijsoord để đàm phán các điều khoản đầu hàng. Thỏa thuận nhanh chóng đạt được và tài liệu được ký lúc 10:15 ngày 15/5
Sự chiếm đóng của Đức chính thức bắt đầu vào ngày 17 tháng 5 năm 1940 khi các toán quân Hà Lan cuối cùng ở Zeeland buông vũ khí. Phải mất năm năm trước khi toàn bộ đất nước được giải phóng, trong thời gian đó, hơn 210.000 cư dân Hà Lan đã trở thành nạn nhân của chiến tranh, trong đó có 104.000 người Do Thái và các nhóm thiểu số khác là nạn nhân của nạn diệt chủng. Bài học của Hà Lan cho thấy rõ sự trung lập của một đất nước chỉ có thể đạt được khi họ có một quân đội đủ mạnh khiến kẻ thù phải tôn trọng và dè chừng. Quân đội yếu, kẻ thù coi thường thì dù có trung lập cũng không thoát khỏi số phận bi thảm.