Ngày 4/6/1920, tại cung điện Trianon ở Versailles, Pháp, phái đoàn của nước Hungary, quốc gia kế thừa của Đế quốc Áo-Hung bại trận, đã ký hòa ước với các nước khối Hiệp ước. Đây là một trong những hòa ước có điều khoản nặng nề nhất lịch sử với nước thua trận, khi Hungary mất đến 72% lãnh thổ (còn 93.073 cây số vuông so với 325.411 cây số vuông) và 64% dân số của mình trước chiến tranh (20,9 triệu còn 7,6 triệu).
Hòa ước Trianon ký muộn hơn Hòa ước Saint-Germain giữa Áo và khối Hiệp ước gần 1 năm do những biến động chính trị của Hungary sau Thế chiến thứ nhất, trong đó có sự ra đời và sụp đổ của nhà nước Cộng hòa Xô Viết Hungary, rồi Hungary bị Romania tấn công và chiếm đóng trước khi chính quyền Hungary được phe Hiệp ước tái lập dưới quyền Nhiếp chính Miklós Horthy.
Theo Hòa ước Trianon, Hungary trở thành một quốc gia không còn biển khi lần lượt mất Transylvania và phần lớn vùng Banat về tay Romania; mất Slovakia về tay Tiệp Khắc; Croatia-Slavonia và một phần Banat về tay Nam Tư; thành phố Fiume (Rijeka ) về tay Ý và vùng Burgenland phía tây Hungary về tay “người cũ” Áo. Ngoài ra Hungary phải trả một khoản tiền lớn bồi thường chiến tranh và chỉ được duy trì một lực lượng quân đội không quá 35.000 người.
Nỗi đau của Hòa ước Trianon vẫn kéo dài với Hungary cho đến ngày nay. Năm 2010, nhân dịp 90 năm ngày ký Hòa ước, chính quyền Budapest thông qua một đạo luật gây tranh cãi với các nước láng giếng là tất cả những người gốc Hungary hoặc nói tiếng Hungary bất kể ở quốc gia nào sẽ được cấp quốc tịch Hungary. Đạo luật ảnh hưởng tới khoảng 3,5 triệu người gốc Hungary hiện đang sinh sống ở các nước láng giềng, phần lớn ở Romania, Slovakia, Serbia, Croatia, Ukraine, Áo…
#WWI #Hungary #AoHung #Entente