10/20 tỉnh phía Nam đã có ca mắc đậu mùa khỉ
Theo thống kê của Viện Pasteur TP.HCM, trong năm 2023 ở khu vực phía Nam, các bệnh ngừa được bằng vaccine như Covid-19, cúm, sốt xuất huyết ổn định và có dấu hiệu giảm. Tuy nhiên, số ca mắc bệnh dại tăng ở một số tỉnh miền Đông Nam bộ; dịch tay chân miệng gia tăng số ca mắc, chủ yếu là type EV71.
Số ca HIV mắc mới tương đương năm 2022, tập trung chủ yếu ở nhóm nguy cơ cao, có xu hướng tăng trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM). 11 tháng năm 2023, TP.HCM có 1.525 ca HIV đang được cập nhật lên hệ thống thông tin quản lý người nhiễm HIV.
Đáng lo ngại, nam giới mắc HIV đang chiếm phổ biến, tập trung ở độ tuổi 20-39 và chủ yếu lây nhiễm qua quan hệ tình dục, trong đó nam quan hệ tình dục đồng giới chiếm 58,9%.
Về bệnh đậu mùa khỉ, đã có 117 ca mắc ở 10/20 tỉnh phía Nam, 83,6% bệnh nhân thuộc nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới; 70,7% bệnh nhân đậu mùa khỉ nhiễm HIV; 103 bệnh nhân trong độ tuổi 18-39.
Viện Pasteur TP.HCM đã giải trình tự 12 mẫu, kết quả cho thấy đều là kiểu gene C1 thuộc chủng gây dịch từ năm 2022 đến nay.
“Đậu mùa khỉ chưa có dấu hiệu chững lại”, Viện phó Viện Pasteur TP.HCM Nguyễn Vũ Thượng khẳng định và cho biết thêm, từ tháng 11, số ca tại TP.HCM tăng nhanh.
BS.CK2 Huỳnh Thị Thúy Hoa, Trưởng khoa Nội A, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM cho biết, 3 tháng qua, bệnh viện tiếp nhận 49 ca, trong đó 6 ca nặng đã tử vong, 40 người xuất viện, 3 bệnh nhân đang điều trị.
Hầu hết các bệnh nhân khi chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM đều trong tình trạng nặng, nhiều bệnh nhân kèm các biến chứng như sốc nhiễm trùng, viêm mô tế bào, áp xe da, nhiễm trùng huyết, suy gan, suy thận…
Những bệnh nhân nặng đều nhiễm HIV giai đoạn AIDS, còn trẻ (28-30 tuổi). Tất cả đều không điều trị bằng thuốc ARV để kiểm soát HIV hoặc chỉ mới bắt đầu trị. Các sang thương da hoại tử, loét sâu rộng, bội nhiễm vi trùng gây viêm mô tế bào, áp xe da cơ nặng. Từ đó, bệnh nhân nhiễm trùng huyết, sốc nhiễm trùng, suy đa cơ quan, là bệnh cảnh chính gây tử vong.
Trong số ca đậu mùa khỉ điều trị tại bệnh viện, nam chiếm 97%, trong đó, nam quan hệ tình dục đồng giới chiếm 88%, phần lớn không dùng bao cao su khi quan hệ, nhiều ca đồng nhiễm giang mai.
Theo bác sĩ Hoa, đậu mùa khỉ có đường lây chính là tiếp xúc gần qua đường tình dục (lây giống HIV), cọ xát với mụn nước, quan hệ tình dục với người đang nhiễm… Hầu hết trường hợp bệnh xảy ra trên nhóm đồng tính nam, người song tính, người có nhiều bạn tình.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương nhận định, dự báo năm 2024 tình hình bệnh truyền nhiễm trên thế giới và tại Việt Nam sẽ còn diễn tiến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Tại khu vực phía Nam, bệnh tay chân miệng sẽ có thể tiếp tục ghi nhận type virus EV71 gây bệnh cảnh nặng do chu kỳ dịch kéo dài 2 năm liền kề; bệnh lây truyền qua động vật vẫn có nguy cơ cao có thể xuất hiện trở lại bất cứ khi nào do thường xuyên phát hiện ổ dịch trên động vật như ổ dại trên chó, ổ dịch cúm A/H5 trên gia cầm H5, A/H7.
Bệnh Covid-19 vẫn còn yếu tố khó lường chưa mang tính chất ổn định về xu hướng và tác nhân virus. Ngoài ra các tác nhân gây viêm đường hô hấp cũng có xu hướng khó dự đoán như trong thời gian qua.
Bệnh đậu mùa khỉ đã xâm nhập và tiếp tục ghi nhận ca mắc mới trên nhóm nguy cơ cao; HIV có xu hướng gia tăng..
Thứ trưởng Bộ Y tế cũng nhìn nhận, trong công tác phòng chống dịch, các đơn vị y tế gặp nhiều thách thức như nguồn kinh phí đầu tư, giải ngân cho hoạt động giám sát điều tra đáp ứng dịch, xét nghiệm, trang thiết bị, vật tư hóa chất, thuốc điều trị còn gặp nhiều vướng mắc. Vẫn còn tâm lý e dè của các địa phương trong chủ động mua sắm hóa chất, sinh phẩm, thuốc điều trị đặc hiệu; thiếu mức chi, định mức kỹ thuật dẫn tới các hoạt động phòng chống dịch thường xuyên bị ngưng trệ.
Từ thực trạng này, Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương đề nghị các tỉnh thành chủ động tham mưu, trình HĐND, UBND các cấp về ban hành các chính sách thực hiện nhiệm vụ y tế dự phòng, y tế cơ sở theo hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế. Trong đó đặc biệt chú trọng việc về kinh phí, định mức chi cho hoạt động phòng chống dịch và mua sắm tại mỗi địa phương; đầu tư hoạt động giám sát phát hiện kịp thời ca bệnh; đẩy mạnh hoạt động truyền thông trong cộng đồng…