10  NĂM CUỐI CÙNG ( 1780-1789)

10 NĂM CUỐI CÙNG ( 1780-1789)

“ 10 năm cuối cùng” là tên tạm đặt để chỉ giai đoạn suy tàn của nhà Lê-Trịnh mà Hoàng Lê Nhất Thống Chí đề cập. Nó được tính từ năm 1780 – vụ án năm Canh Tý – đến năm 1789 – khi vua Quang Trung đại phá quân Thanh.

Đây là giai đoạn cực kỳ hỗn loạn của vương quốc Đàng Ngoài, khi quyền hành của cả vua Lê lẫn chúa Trịnh đều đã suy yếu do chính biến cung đình. Các tướng tá triều đình biến thành những lực lượng cát cứ địa phương đánh lẫn nhau dưới chiêu bài “ phù Lê” hoặc “ phù Trịnh”. Nạn đói lớn năm 1786 cùng 3 lần Bắc tiến của nhà Tây Sơn càng khiến tình hình Đàng Ngoài càng thêm hỗn loạn. Sau cùng, năm 1788, vua Lê Chiêu Thống đành phải cầu cứu Mãn Thanh để cứu vãn cục diện. Quyết định này khiến cho Đàng Ngoài bắt đầu xuất hiện bóng dáng của quân đội ngoại bang. Cuộc nội chiến vì thế cũng chuyển thành một cuộc chiến tranh vệ quốc giữa hai đối thủ còn lại sau cùng là nhà Tây Sơn và Mãn Thanh. Triều Lê-Trịnh chính thức diệt vong sau khi quân Thanh bị đánh bại.

CÁC GIAI ĐOẠN CHÍNH:

I.Giai đoạn 1 ( 1780-1782): chính biến cung đình.

Trong hai năm này, Đàng Ngoài chứng kiến những mồi lửa đầu tiên cho sự diệt vong của nó. Ngọn lửa xuất phát từ trong phủ chúa.

Chúa Trịnh Sâm có hai đứa con trai: con trưởng Trịnh Khải, con thứ là Trịnh Cán. Phủ chúa vì thế cũng chia thành 2 phe:
+ phe Trịnh Khải: được hậu thuẫn bởi 2 tập đoàn Nguyễn Khản và Nguyễn Khắc Tuân.
+ phe Trịnh Cán: hậu thuẩn bởi sủng phi Đặng Thị Huệ và quận Huy Hoàng Đình Bảo.

Bản thân Trịnh Sâm yêu con thứ, nên cũng dùng dằng việc công nhận Khải làm người kế vị. Lo sợ sẽ bị mất ngôi, Trịnh Khải ra tay trước, tập hợp những kẻ thân cận định phát động binh biến giành ngôi vị. Âm mưu bị lộ, Trịnh Khải bị tước quyền kế vị, phe cánh bị thanh trừng gần hết. Trịnh Sâm cũng lấy cớ đó, chính thức phong Cán làm thế tử. Quyền hành phủ chúa từ đây nằm trọn trong tay phe Trịnh Cán. Sử gọi đó là “ vụ án năm Canh Tý”.

Thế nhưng, ngay khi Trịnh Sâm vừa qua đời, Trịnh Khải một lần nữa phát động chính biến. Do vây cánh đã bị chặt hết, ông ta bèn liên lạc với binh lính tam phủ. Đám lính này liền phát động binh biến, giết chết Hoàng Đình Bảo, truất Trịnh Cán, phò Trịnh Khải lên ngôi. Phe Trịnh Cán diệt vong chỉ 1 tháng sau khi Trịnh Sâm qua đời.

Trong 2 năm, Trịnh Khải liên tiếp phát động 2 lần binh biến. Kết quả của điều này là cả hai phe đều bị thanh trừng. Thế lực nhà chúa vì thế mà suy yếu theo. Do vậy, dù nhờ lính tam phủ mà lên ngôi, nhưng Trịnh Khải không còn thực lực để khống chế chúng. Giờ đây, nhà chúa cũng như vua Lê, chỉ còn có hư vị mà thôi.

II. Giai đoạn 2 ( 1782-08/1786): loạn kiêu binh.

Nhà chúa hứng chịu hai đợi thanh trừng chỉ trong 2 năm, nhân lực thiệt hại trầm trọng. Nên khi binh lính phò Trịnh Khải lên ngôi, chúng cũng trở thành lực lượng khống chế cả kinh thành. Đám lính này áp chế chúa Trịnh, cướp phá quan lại và dân chúng. Chúa Trịnh định dựa vào Nguyễn Khản phát động một cuộc binh biến nữa để trừ kiêu binh, nhưng không thành.

Cùng lúc đó, một thuộc hạ cũ của Hoàng Đình Bảo là Nguyễn Hữu Chỉnh đã bỏ Đàng Ngoài để vào nam theo nhà Tây Sơn. Đến năm 1786, nhân Đàng Ngoài có nạn đói lớn, Chỉnh xúi được Nguyễn Huệ kéo quân ra Bắc. Quân Tây Sơn nhanh chóng đánh chiếm Phú Xuân, vượt qua Nghệ An, đánh bại các đạo quân Trịnh và tiến vào Thăng Long. Trịnh Khải bị bắt sống, tự sát mà chết. Bọn kiêu binh cũng tan rã hoàn toàn.

III.Giai đoạn 3 ( 08/1786 – 12/1787): quân phiệt cát cứ – vua chúa tranh hùng.

Tuy Nguyễn Huệ diệt Trịnh, nhưng ông ta chưa vội thôn tính Đàng Ngoài. Ông ta bỏ về Đàng Trong ngay sau đó, trao lại Đàng Ngoài cho vua Lê. Thế nhưng nhà Lê hơn 200 năm chỉ còn là một hoàng tộc bù nhìn không có thực lực. Họ không thể chống đỡ nổi các quân phiệt cát cứ, cùng các chúa Trịnh đang muốn dựng lại cơ đồ.

Bấy giờ, Đàng Ngoài chia thành 2 phe chính:
+ vua Lê: Lê Chiêu Thống
+ chúa Trịnh: Trịnh Lệ và Trịnh Bồng cùng nổi lên, đánh nhau tranh ngôi chúa, rồi quay sang áp chế vua Lê.

Địa phương cũng rơi vào tay 3 thế lực cát cứ bao vây kinh thành Thăng Long. Cả 3 thế lực này đều “ phù Trịnh”:
+ phía Tây: Hoàng Phùng Cơ ở Sơn Tây
+ phía Bắc: Dương Trọng Tế ở Gia Lâm
+ phía Đông: Đinh Tích Nhưỡng ở xứ Đông

Ngay sau đó, sau khi chạy theo Tây Sơn rút về Nghệ An, Nguyễn Hữu Chỉnh đã gầy dựng lực lượng ở đây rồi bắc tiến. Ông mượn tiếng “ phù Lê”, tiêu diệt các quân phiệt Hoàng Phùng Cơ, Dương Trọng Tế, đặt dấu chấm hết cho cả chúa Trịnh. Chỉ còn mỗi Đinh Tích Nhưỡng là bạn cũ của Chỉnh còn cát cứ ở xứ Đông.

Nhưng sự nghiệp của Chỉnh cũng ngừng lại ở đây. Liền sau đó, Tây Sơn vu cho Chỉnh tội làm phản, sai Vũ Văn Nhậm ra bắc diệt Chỉnh. Ông bị tay tướng vốn là kẻ thù cũ này xé xác. Nhà Tây Sơn chính thức thôn tính Đàng Ngoài.

IV. Giai đoạn 4 ( 12/1787 – 07/1788): Cần vương.

Lê Chiêu Thống mất nước, phải di tản khỏi Thăng Long, phát động phong trào Cần vương. Dưới tay vua lúc đó có các thế lực mới nổi:
+ phía Đông Bắc: Trần Quang Châu ở huyện Gia Bình ( huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh)
+ phía Đông: Lê Ban ở Giáp Sơn ( huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương), sau vào Thanh Hoá mộ quân.
+ Nguyễn Viết Tuyển ở Sơn Nam, là tướng lĩnh tàn dư cuối cùng của Nguyễn Hữu Chỉnh.
+ đại thần Trương Đăng Quỹ cũng ở Sơn Nam.

Tuy vậy, lực lượng Cần vương phần nhiều là quân ô hợp mới mộ. Vua Lê mấy lần phát động tấn công Tây Sơn đều bị đánh tan dễ dàng. Trong khi đó, Đinh Tích Nhưỡng xin theo vua không được, bỏ sang hàng Tây Sơn. Cùng đường, Lê Chiêu Thống đành sai người đi cầu cứu Mãn Thanh.

V.Giai đoạn 5 ( 07/1788 – 30/1/1789): Quang Trung đại phá quân Thanh.

Quân Thanh tràn qua ải Nam Quan. Ngô Văn Sở nghe lời Ngô Thì Nhậm, bỏ trống Thăng Long, dẫn toàn quân rút về lập phòng tuyến ở Tam Điệp chờ Nguyễn Huệ cứu viện. Quân Thanh tiến vào quá dễ dàng sinh kiêu ngạo, không vội vàng truy kích.

Trong khi đó, Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế, lấy hiệu là Quang Trung. Ông dẫn quân ra bắc, hợp cùng Ngô Văn Sở, thần tốc bắc phạt. Quân Thanh nhanh chóng bị đánh bại, rút chạy về nước, kéo theo cả triều đình Lê Chiêu Thống. Dù một vài phần tử phù Lê vẫn còn tiếp tục chiến đấu, nhà Lê đến đây coi như đã diệt vong.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *