Lịch sử phát triển của chế độ Bát Kỳ

1./ Giới thiệu chung về lịch sử phát triển của chế độ Bát Kỳ:

Bát Kỳ hay Bát Kỳ Mãn Châu là một chế độ tổ chức quân sự đặc trưng của người Mãn Châu và nhà Thanh (sau này). Đặc trưng của Bát Kỳ là mỗi đơn vị được phân biệt và đại diện bằng một lá cờ khác nhau, tổng cộng có tám lá cờ cơ bản. Theo đó, mọi người dân Mãn Châu đều thuộc một trong tám “Kỳ”, đứng đầu là một Kỳ Chủ và tư lệnh tối cao là Đại Hãn; Bát Kỳ vừa là các đơn vị quản lý dân sự vừa mang tính chất quân sự.

Đây là một tổ chức quân sự đặc sắc của người Mãn Châu và cũng là đội quân hùng mạnh trong lịch sử Trung Hoa đã đóng góp công lao to lớn trong cuộc chính chiến giữa nhà Thanh và nhà Minh. Chế độ Bát Kỳ do Nỗ Nhĩ Cáp Xích – vị thủ lĩnh của bộ tộc Nữ Chân vào cuối đời Minh sáng lập. Ông là người đã xây dựng nền móng mà sau đó con trai ông, Hoàng Thái Cực đã bành trướng uy thế và trở thành vị hoàng đế đầu tiên của triều đại Mãn Thanh. Hoàng Thái Cực cũng là người đã hoàn thiện chế độ Bát Kỳ.

“Bát Kỳ” ban đầu chỉ dùng để chỉ về Bát Kỳ Mãn Châu hay Mãn Quân Kỳ sau đó được phát triển thêm Mông Cổ Bát Kỳ (Mông Quân Kỳ) và Hán Tộc Bát Kỳ (Hán Quân Kỳ) , vì vậy gọi chung là Bát Kỳ – không phân biệt. Thân phận của người Bát Kỳ có thể thừa kế, lấy việc nhập ngũ đánh giặc làm nghề nghiệp duy nhất, bình thường thì làm nông nghiệp và chăn nuôi để nuôi sống gia đình. Sau khi Mãn Mông đế quốc thành hình, quân Bát Kỳ được coi là quân tinh nhuệ, quân binh người Hán thì được coi là quân đội thường trực (gọi là “Lục Doanh”).

Bát Kỳ phát triển đông đảo có thời điểm lên tới gần 200.000 quân và được chia thành 2 phần:

– Cấm Lữ Bát Kỳ, đóng quân tại thành Bắc Kinh. Họ vừa đóng vai trò đội quân đồn trú của chính phủ nhà Thanh vừa là lực lượng chiến đấu.

– Số còn lại được chia vào nhiệm vụ canh gác các thành phố quan trọng ở Trung Quốc. Họ được gọi là Phòng Trú Bát Kỳ.

Sau khi quân Thanh diệt nhà Minh, người Bát Kỳ tiếp tục đã chịu trọng dụng, thẳng đến thời Hoàng đế Càn Long – người tự xưng là “ Thập toàn lão nhân”- công tích hiển hách về mọi mặt văn hóa quân sự; đánh Đông dẹp Bắc, thiên hạ thái bình, không còn cả chỗ để dùng binh.

Từ đó quân đội Bát Kỳ không còn được coi trọng, ngày đêm thao luyện cho nên nhanh chóng thoái hóa, về sau lại càng là giao luôn cho quân đội điạ phương quản lý. Chiến dịch đánh Đài Loan và bình (Cát) Khiết Nhĩ Đan Mông Cổ về cơ bản đều do quân Hán Lục Doanh gánh vác.

Và chỉ sau một thời gian, Lục Doanh cũng thoái hóa nốt và mất dần khả năng quân sự – kỷ luật. Mặt khác, lương bổng quá thấp khiến việc tuyển mộ khó khăn và tạo ra hiện tượng lính ma, lính cảnh, việc chạy chức, chạy quyền các chức vụ chỉ huy trong Lục Doanh đã xảy ra. Vì vậy phẩm chất tướng lĩnh xuống thấp, nạn lính ma tăng cao. Tổng hợp lại, quân Bát Kỳ đã suy thoái đến hầu như không còn khả năng chiến đấu.

Ở Thanh trung kỳ và Thanh mạt kỳ, danh xưng người Bát Kỳ trên thực tế đã không hề dùng để chỉ duy nhất quân nhân Bát Kỳ, nó đã trở thành danh từ để chỉ chung người Mãn Châu mà thôi.

2./ Cơ cấu tổ chức :

2.1 Biên chế cơ bản :

Theo quy định của Nỗ Nhĩ Cáp Xích, mọi người dân trong các bộ lạc Nữ Chân đều quy thuộc biên chế tổ chức nhân sự vào một trong 8 nhóm bộ lạc, được gọi là các “Kỳ” mà mỗi Kỳ này là tập hợp tổ chức các bộ lạc, vừa là các đơn vị dân sự vừa mang tính chất quân sự.

Về căn bản, ông vẫn giữ nguyên hình thức bộ lạc, vẫn duy trì chế độ tù trưởng (mà người Nữ Chân gọi là Bối Lặc), nhưng căn cứ theo số lượng người Nữ Chân có trong các bộ (bộ lạc), phân chia trên cơ sở như sau:

– Cứ 300 nam giới, được tổ chức thành một Ngưu Lộc (tiếng Mãn Châu: Niru). Người đứng đầu của một Niru được gọi là Ngưu Lộc Ngạch Chân- Niru-i Ejen (hay còn gọi là Tiển Chủ, Tá Lĩnh).

– Cứ 05 Ngưu Lộc hợp lại thành một Giáp Lạt – Jalan do một Giáp Lạt Ngạch Chân -Jalan-i Ejen- Tham Lĩnh chỉ huy.

– Và cứ 05 Giáp Lạt sẽ hợp lại thành một đơn vị gọi là Kỳ hay Cố Sơn -Gūsa. Chỉ huy một Kỳ là một Cố Sơn Ngạch Chân- Gūsa Ejen- Đô Thống – thường gọi là Kỳ Chủ.

* Ở các kỳ quan trọng còn có thêm 2 đơn vị là Mai Lặc, gồm 10 Ngưu lộc hợp thành, do một Mai Lặc Ngạch Chân-Meiren-i Ejen chỉ huy. Các Mai Lặc Ngạch Chân sẽ giữ vai trò phụ tá cho Kỳ chủ.

Mỗi Kỳ Chủ phải trực tiếp nghe theo mệnh lệnh của Đại Hãn, quyền lực và địa vị chỉ thấp hơn Đại Hãn mà cao hơn tất cả mọi người. Điều đặc biệt là những vị tướng lãnh đạo dưới trướng của ông không phải theo kiểu cha truyền con nối một cách đương nhiên (mặc dù tất cả đều là con cháu của ông) mà do chính ông bổ nhiệm trên cơ sở tài năng và chiến công.

Các bộ lạc thành viên trong tất cả các Kỳ không nắm giữ một vùng, hay không chiến đấu cố định thành đơn vị hợp nhất. Khi yêu cầu một cuộc hành quân, thì được thiết lập dưới các kỳ khác nhau. Sự phân chia này chủ yếu hạn chế nguy cơ các bộ lạc ly khai hay không tuân lệnh Kỳ Chủ.

Thông thường, các Kỳ còn được đặt dưới quyền quản lý của các Bối Lặc (tù trưởng) thân tín của Nỗ Nhĩ Cáp Xích. Các Bối Lặc này được xem là có địa vị cao hơn các Bối Lặc khác, nên còn được gọi là các Hòa Thạc Bối Lặc (Holson Belei).

2.2 Tổ chức hoàn chỉnh:

Chế độ Bát Kỳ được Nỗ Nhĩ Cáp Xích sáng lập vào năm Vạn Lịch 29 dưới triều Minh. Lúc đầu, vào năm 1601 thì chỉ xây dựng 3 Kỳ : Hắc Quân kỳ, Bạch Quân kỳ và Hồng Quân kỳ.

Năm 1615 , khi Nỗ Nhĩ Cáp Xích đã thâu tóm tất cả các bộ lạc Nữ Chân (trừ Diệp hách); hơn nữa người Mông Cổ, người Hán cũng quy phục rất nhiều; số lượng Ngưu Lộc đã có quy mô gấp hàng trăm lần lúc ban đầu. Bởi vậy, Nỗ Nhĩ Cáp Xích đã đem Hồng, Bạch, Hắc – 03 Quân Kỳ ban đầu cùng với tất cả số Ngưu Lộc hiện có phân chia lại làm 8 Quân Kỳ (Bát Kỳ):

– Hồng Quân Kỳ phân ra thành: Chính Hoàng Kỳ và Tương Hoàng Kỳ.

– Bạch Quân Kỳ phân chia thành: Chính Bạch Kỳ, Tương Bạch Kỳ và Chính Lam Kỳ.

– Hắc Quân Kỳ phân chia thành: Tương Lam Kỳ, Chính Hồng Kỳ và Tương Hồng Kỳ.

* Lưu ý: Cũng có tài liệu ghi chép hơi khác: Đó là ban đầu, Nỗ Nhĩ Cáp Xích thiết lập 4 Kỳ Là Hồng Kỳ, Bạch Kỳ, Hoàng Kỳ và Lam Kỳ. Về sau bổ sung thêm 4 Kỳ nữa, các Kỳ cũ thêm “Chính”, các Kỳ sau thêm “ Tương” ở phía trước.

Các Kỳ cũ được thêm danh xưng Chính (Gulu), còn các kỳ mới có thêm màu viền trên cờ hiệu là có thêm danh xưng là Tương (Kubuhe). Chính Tứ Kỳ cờ xí là thuần một màu có 4 góc, đầu rồng quay về phía sau ( bên phải). Tương Tứ Kỳ thì cờ xí có viền ( tương) ở 5 cạnh: Tương Hoàng, Tương Bạch, Tương Lam 3 Kỳ có viền đỏ, Tương Hồng Kỳ có viền trắng; đầu rồng quay về phía trước ( bên trái).

Ban đầu, mỗi Kỳ có 7.500 quân, tổng cộng 8 kỳ có 6 vạn quân. Về sau, thông qua việc chinh phục các bộ lạc, số lượng binh sĩ trong các Kỳ tăng dần lên. Khi Nỗ Nhĩ Cáp Xích đánh thành Ninh Viễn, tổng binh lực quân Bát Kỳ huy động được đã lên đến 13 vạn lính.

2.3 Phân chia thứ bậc:

Trong Bát Kỳ lại có sự phân chia thứ bậc nhất định:

* Trước khi quân Thanh quân nhập quan:

– Chính Hoàng Kỳ, Tương Hoàng Kỳ, Chính Lam Kỳ do Đại Hãn trực tiếp nắm giữ, là thân binh của hoàng đế, gọi là “Thượng tam kỳ”(上三旗), còn được gọi là Nội phủ Tam Kỳ (内府三旗). Chỉ những người Nữ Chân thuộc Thượng Tam Kỳ mới được đích thân Đại Hãn lựa chọn vào đội bảo vệ riêng của mình, xuất thân từ Thượng Tam Kỳ được coi là vô cùng cao quý, đáng tự hào, có nhiều ưu đãi. ( sẽ nói rõ hơn trong phần 2)

– 05 Kỳ còn lại: Chính Hồng Kỳ, Tương Hồng Kỳ, Tương Bạch Kỳ, Chính Bạch Kỳ và Tương Lam Kỳ gọi là “Hạ Ngũ Kỳ” (下五旗) và được giao cho các vị Bối Lặc thân tín của Nỗ Nhĩ Cáp Xích, thay mặt Đại hãn nắm quyền quản lý; thường được gọi theo nghi thức là “Hòa Thạc” (Hošoi – trong tiếng Mãn có nghĩa là “người được đặc biệt tôn kính”). Họ cùng nhau tạo thành một hội đồng quản lý quốc gia Mãn Châu cũng như bộ tư lệnh quân đội, phụ tá cho Nỗ Nhĩ Cáp Xích, được gọi là “Hòa Thạc Bối Lặc”. Về sau Hạ Ngũ Kỳ do các Thân Vương, Bối Lặc, Bối Tử quản lý, đóng giữ các nơi.

* Sau khi quân Thanh quân nhập quan:

Đa Nhĩ Cổn đem Chính Bạch Kỳ mà mình làm Kỳ Chủ cho vào Thượng Tam Kỳ và đẩy Chính Lam Kỳ do Hào Cách làm Kỳ Chủ xuống Hạ Ngũ Kỳ, từ đó về sau không có gì thay đổi. Sau khi Đa Nhĩ Cổn chết bệnh, hoàng đế Thuận Trị đã tiếp quản quyền thống lĩnh của Chính Bạch Kỳ .

* Lưu ý: Tên các Kỳ, Kỳ Chủ và các bộ lạc của một Kỳ thường xuyên bị xáo trộn và đổi tên qua các thời kỳ vì lý do chính trị.

– Như vậy : Thượng Tam Kỳ từ đây gồm: Chính Hoàng Kỳ, Tương Hoàng Kỳ và Chính Bạch Kỳ. Hạ Ngũ Kỳ gồm: Chính Hồng Kỳ, Tương Hồng Kỳ, Tương Bạch Kỳ, Tương Lam Kỳ và Chính Lam Kỳ.

=> Như vậy, chế độ Bát Kỳ về mặt quân sự là 8 cánh quân, về mặt dân sự là 8 nhóm bộ tộc, phân biệt bởi cờ hiệu chỉ huy, vì vậy còn được gọi theo âm Hán Việt là Bát Kỳ, mỗi Kỳ có một màu chủ đạo riêng biệt. Đây là một hình thức quân đội dân tộc, là sự hợp nhất giữa binh và nông. Đại Hãn là người thống trị tối cao của toàn Bát Kỳ cả về quân sự lẫn dân sự.

3./ Hoàn thiện:

3.1 Việc tranh giành ngôi vị hoàng đế mà Thanh Thái Tổ Nỗ Nhĩ Cáp Xích để lại.

Cho đến trước khi chết, Nỗ Nhĩ Cáp Xích vẫn chưa kịp chỉ định người kế vị mà chỉ mới kịp trao quyền quản lý 3 Kỳ của ông cho Đại Phúc tấn A Ba Hợi để sau này giao lại cho ba con trai của bà là A Tế Cách, Đa Nhĩ Cổn và Đa Đạc khi họ trưởng thành. Lúc này, Hoàng Thái Cực cũng chỉ là một trong 4 vị Đại Bối Lặc nắm quyền. Ông đã thương lượng và hứa sẽ cùng 3 người còn lại là Đại Thiện, A Mẫn, Mãng Cổ Nhĩ Thái cùng nhau cai trị để được ủng hộ lên ngôi chính thức. Thời kỳ này còn được gọi là Tứ Đại Bối Lặc nắm quyền.

Sau khi Hoàng Thái Cực chiến thắng trong các cuộc giành giật ngôi vị Khả Hãn, ông đã loại bỏ dần địa vị và lực lượng của các vị Bối Lặc khác, xác lập địa vị thống trị tuyệt đối của mình. Hoàng Thái Cực đã thực hiện cuộc cải cách về quân sự, chế định Bát Kỳ được phân chia rõ ràng, chặt chẽ đồng thời các vị trí chỉ huy chủ chốt trong kỳ được phân định lại theo hướng bổ nhiệm các nhân vật thân tín, tâm phúc của Hoàng Thái Cực vào vị trí các Kỳ Chủ.

Thứ tự ưu tiên của các kỳ vẫn giữ nguyên như cũ, cụ thể:

– Cao nhất là Thượng Tam Kỳ : Tương Hoàng Kỳ (kỳ tịch của chính Hoàng Đế cũng nằm trong Tương Hoàng Kỳ), Chính Hoàng Kỳ và Chính Lam Kỳ.

– Tiếp theo sau là sắp xếp thấp dần: Chính Hồng Kỳ – Tương Bạch Kỳ – Tương Hồng Kỳ – Chính Bạch Kỳ- Tương Lam Kỳ. (Về sau Chính Lam Kỳ và Chính Bạch Kỳ có sự thay đổi cho nhau.)

Ngoài Bát Kỳ là người Mãn (Mãn Châu Bát Kỳ), Hoàng Thái Cực còn tổ chức thêm Mông Quân Bát Kỳ, Mãn Quân Bát Kỳ và Lục Doanh của người Hán để nhằm tăng cường thêm quân số của nhà Thanh, đảm bảo để đủ lực lượng thực hiện các cuộc viễn chinh, đặc biệt là cuộc xâm lược Trung Nguyên. Cụ thể, việc mở rộng về cơ cấu Bát Kỳ này đã khiến cho biên chế quân chủ lực của nhà Thanh tăng lên đáng kể, lên đến 170.000 binh sĩ trong thời gian người Mãn Châu bắt đầu xâm chiếm Trung Nguyên.

Bên cạnh quân Bát kỳ Mãn Châu tinh nhuệ là các chiến binh Mông Cổ với sở trường cơ động thiện chiến và các đội quân người Hán mạnh mẽ về bộ binh và công thành. Vì là người Mãn nên quân Mãn Châu Bát Kỳ rất được tin dùng và có nhiều ưu đãi hơn là Mông Cổ Bát Kỳ và Hán Tộc Bát Kỳ. Ðạo quân Mông Cổ cũng được tin dùng vì xứ này đã bị sát nhập vào Mãn Châu trước khi Trung Nguyên bị chinh phục.

4./ Về Mông Quân Bát Kỳ và Hán Quân Bát Kỳ.

Lúc ban đầu thành lập Bát Kỳ, tên Kỳ không phân theo các dân tộc. Khi Thanh Thái Tông Hoàng Thái Cực lên ngôi thì một thời gian sau, vào năm 1629, bắt đầu có ghi lại Mông Cổ Nhị Kỳ. Năm 1635 , sau khi Hậu Kim chinh phục được bộ lạc Sát Cáp Nhĩ đã tiến hành một lần chỉnh biên, tổ kiến quy mô lớn đối với các nam đinh Mông Cổ (các Mông Cổ Ngưu Lộc được phân chia lại thuộc về Bát Kỳ).

Hán Quân Kỳ lại có nguồn gốc từ số hàng quân hoặc dân thường người Hán đầu hàng hoặc thu nhận được khi quân Thanh đánh vào vùng Liêu Thẩm. Ở những năm Thiên Mệnh Hậu kỳ ( Nỗ Nhĩ Cáp Xích được gọi là Thiên Mệnh Khả Hãn), họ bị dùng hình thức là nô bộc ( người hầu, nô lệ) phân phối cho các vị Bối Lặc, đại thần…

– Sau khi Hoàng Thái Cực lên ngôi, để tranh thủ sự ủng hộ và thêm ân điển cho người Hán, ông đã dùng các phương pháp như lập các Ngưu Lộc của người Hán, thi khoa cử hoặc thu hút nhân tài.. để đề cao địa bị vốn rất thấp hèn lúc ấy của người Hán; khiến cho bọn họ có cơ hội thoát ly thân phận nô lệ, người hầu trở thành một Kỳ dân bình thường có Kỳ tịch độc lập (phân vào các Kỳ để quản lý).

– Từ năm 1631 năm bắt đầu có Hán Quân Kỳ; năm 1637 thì chia làm 02 Kỳ là Hán Quân Lam Kỳ và Hán Quân Hắc Kỳ. Đến năm 1639 lại chia làm 04 kỳ: Hán Quân Chính Lam Kỳ, Hán Quân Tương Hoàng Kỳ, Hán Quân Tương Bạch Kỳ và Hán Quân Tương Hồng Kỳ.

– Năm 1642, Hán Quân Tứ Kỳ bị triệt tiêu, tổ chức lại theo hình thức Ngưu Lộc và sát nhập vào Bát Kỳ, trở thành một bộ phận của Bát Quân Kỳ như Mông Quân Kỳ trước đó.

Mãn Châu, Mông Cổ, Hán Quân đều cùng chịu sự quản lý của một Kỳ Chủ. Bởi vì có ba bộ phận này nên một số tư liệu lịch sử đã sai lầm đem Bát Quân Kỳ hiểu thành Nhị Thập Tứ Kỳ . (24 Kỳ – mỗi Quân đều có Bát Kỳ= sai). Thực tế Mãn Châu Bát Kỳ, Mông Cổ Bát Kỳ, Hán Quân Bát Kỳ phải được gọi chính xác là Bát Kỳ Mãn Châu, Bát Kỳ Mông Cổ và Bát Kỳ Hán Quân, họ là các bộ phận của mỗi Kỳ do dân tộc khác nhau gia nhập mà tạo thành.

Tuy rằng ở chỉnh thể, Bát Kỳ phân làm 3 bộ phận: Mãn-Mông-Hán, nhưng nếu nói cụ thể thì thành phần dân tộc có trong Bát Kỳ khá là phức tạp. Thành phần chủ yếu là người Mãn Châu, thứ yếu là người Hán, Mông Cổ, Triều Tiên (Cao Ly), Tác Luân, Hồi, Albani… thậm chí có một lần có cả người Việt Nam ( Kinh) cũng gia nhập vào. Cụ thể:

– Người Hán chủ yếu lệ thuộc vào Bát Kỳ Hán Quân, một bộ phận thuộc Bao y, do Nội Vụ Phủ Tá Lĩnh quản lý . Số khác lại phân làm người Bát Kỳ dưới các Bát Kỳ Mãn Châu khác.

– Người Mông Cổ chủ yếu thuộc vào Bát Kỳ Mông Cổ, một số ít thuộc các Bát Kì Mãn Châu khác. Một bộ phận cực nhỏ từng làm quan dưới thời Minh thì thuộc về Bát Kỳ Hán Quân .

– Người Triều Tiên chủ yếu thuộc vào Tá Lĩnh của Bát Kỳ Mãn Châu, còn lại đại đa số thuộc Bao y do Nội Vụ Phủ Cao Ly Tá Lĩnh quản lý .

– Người Tác luân, Xi- bô (Tiên Bi) … chủ yếu bị sắp xếp vào Bát Kỳ Mãn Châu.

– Người Hồi có nguồn gốc chủ yếu từ trong năm Càn Long tới Bắc Kinh cư trú. ( A Lý Hòa Trác và cấp dưới- dòng tộc của Dung Phi (Hương Phi) của Càn Long).

– Người Albani thì nguồn gốc tại số người Nga từ các năm Thuận Trị- Khang Hy quy phục triều Thanh. Triều đình nhà Thanh đem họ gộp vào Mãn Châu Tương Hoàng Kỳ ( Tá Lĩnh thứ 17- Tham Lĩnh thứ 4).

5./ Về Nội – Ngoại Bát Kỳ và Bao y nô tài là gì ?

Nếu phân chia người Bát Kỳ theo giai tầng xã hội thì sẽ có 3 loại: Ngoại Bát Kỳ, Nội Bát Kỳ và gia nô dưới các Kỳ ( Kỳ hạ gia nô).

5.1 Ngoại Bát Kỳ:

Thành phần : Các Kỳ dân dưới sự quản lý của Tá Lĩnh, chủ yếu là tầng lớp dân tự do trước khi nhập quan. Bao gồm cả hậu duệ quý tộc, thế gia nhà giàu, con em của người Bát Kỳ.. Tuy có nhiều cấp bậc nhưng đều thuộc tầng lớp này. Đây coi như tầng lớp chiếm vai trò chủ đạo về địa vị xã hội.

5.2 Nội Bát Kỳ- Bao Y.

Bao y gọi đầy đủ là người Bao y, là một quần thể nô bộc, tráng đinh ở các trang viên – điền trang của Hoàng đế, tôn thất, vương công. Bao y không những để chỉ một cá nhân mà còn để chỉ cả một dòng tộc và ổn định qua nhiều thế hệ. Quan hệ của họ với giai cấp thống trị khá phức tạp, có thể là thông qua hôn nhân, họ hàng xa… để tạo thành mối liên kết bền vững. Điều này khiến cho bọn họ trở thành người được tin cậy nhất, trung thành nhất; vừa là gia thần, gia phó vừa là trợ thủ đắc lực, thậm chí là bằng hữu, lực lượng chính trị cần lung lạc, mời chào của chủ nhân. (trường hợp của Niên Canh Nghiêu và Hoàng đế Ung Chính).

Từ thời Nỗ Nhĩ Cáp Xích, khi thế lực và các cuộc hôn nhân chính trị của dòng tộc Ái Tân Giác La liên tục mở rộng, thì Bao Y cũng được mở rộng thêm rất nhiều thành phần: từ các thành phần phía trước nay thêm vào cả tù binh chiến tranh, người phạm tội bị đày, nô bộc ký khế ước… Từ đó về sau, bọn họ lấy thân phận nô bộc của tầng lớp thống trị trong xã hội để tồn tại và phát triển.

Bao Y chia làm 3 loại lớn: Tá Lĩnh Hạ Nhân, Quản Lĩnh Hạ Nhân, Trang Đầu.

Họ chủ yếu đảm nhiệm các công việc như hộ vệ trong vương phủ, người hầu hạ, tùy thân theo hầu, quản lý điền trang, canh gác – bảo vệ lăng tẩm …rất nhiều loại. Nói chung, Bao Y là người phục vụ của chủ nhân, chuyên quản lý việc nhà, dùng để sai phái, theo hầu hạ bên người chủ nhân cho nên mới gọi là “Nội Bát Kỳ”. Ngoại Bát Kỳ có ý nghĩa về mặt quản lý quân sự hơn so với Nội Bát Kỳ mặc dù Bao Y cũng có thể hưởng ứng lệnh triệu tập tham gia chiến đấu khi có chiến tranh xảy ra.

Bao y trực thuộc với Thượng Tam Kỳ của Hoàng đế gọi là “thuộc Nội Vụ Phủ”, còn được gọi là Nội Tam Kỳ Bao y. Bao y mà lệ thuộc vào Vương Công, Kỳ Chủ của Hạ Ngũ Kỳ thì gọi là “thuộc Vương Công phủ ”.

Vì vậy, nếu nói tuyển tú nữ thì sẽ có hai loại:

– Một là Đại Tuyển để tuyển chọn vợ và thiếp thất cho hoàng đế, tôn thất, nguồn là các thiếu nữ có độ tuổi từ 13-16 thuộc Bát kỳ ( con gái Bát Kỳ chưa qua tuyển tú thì chưa được kết hôn).

– Hai là Tiểu Tuyển để tuyển chọn cung nữ vào cung hoặc các vương phủ hầu hạ Hoàng đế và tôn thất. Nguồn chính là các thiếu nữ đúng độ tuổi thuộc các Bao y gia tộc trong Bát Kỳ mà Nội Vụ Phủ Tá Lĩnh quản lý. (Lưu ý: Không lấy tú nữ ngoài Bát Kỳ).

Bao y cũng không phải tiện dân, thân phận nô bộc của họ cũng chỉ có ý nghĩa với hoàng thất hoặc vương công mà thôi. Địa vị xã hội của Bao y cũng cơ bản giống như người Bát Kỳ bình thường. Bọn họ cũng có thể có gia sản, nô tỳ hầu hạ, phẩm cấp quan lại…

5.3. Gia nô dưới các Kỳ ( Kỳ hạ gia nô).

Kỳ hạ gia nô hay Gia nô dưới các Kỳ là gia phó của quan lại cùng một bộ phận người Bát Kỳ giàu có. Bọn họ không có hộ tịch độc lập, lệ thuộc dưới danh nghĩa nhà chủ nhân giống như một loại tài sản ( đại để giống như trâu, bò, dê, ngựa) cho nên bị gọi là “Hộ hạ nhân” hoặc “Bát Kỳ hộ gia nhân”.

Nguồn bài dịch: Wikipedia Tiếng Việt và Tiếng Trung và một số web khác.

Nguồn ảnh: Internet.





Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *