(Học luật, làm content, rồi sao nữa!)
“Học đi đôi với hành”- phương châm này đã phổ biến đến nỗi mình xin phép không bàn luận thêm về tính đúng đắn của nó ở đây. Trong bài viết nhỏ này, mình sẽ chia sẻ với các bạn về 05 công việc làm thêm của mình trong suốt quãng đời sinh viên nhé!
01. Gia sư/ Trợ giảng:
Đây có lẽ là công việc phổ biến mà không chỉ bản thân mình mà tất cả các bạn sinh viên đều có thể bắt đầu với vốn kiến thức về môn học sẵn có. Mình có thế mạnh về các môn xã hội nên mình có mở một lớp học nho nhỏ để dạy Văn.
Bạn có thể hiểu một vấn đề nào đó, nhưng để giảng lại cho người khác hiểu thì đó lại là cả một vấn đề. Nhờ việc đơn giản hóa những vấn đề phức tạp, mình đã truyền được cảm hứng học tập cho các em học sinh, thay vì đưa cho các em quyển sách giáo khoa, rồi bắt các em đọc, đọc, viết, viết chẳng khác nào khi học trên nhà trường, mình sẽ kể những câu chuyện vui, những ví dụ thực tiễn mà các em có thể nhìn thấy trong đời sống hằng ngày. Mình luôn dành thời gian để lắng nghe các em, nghe các em kể chuyện ở lớp, ở nhà. “Chị biết không, hôm nay em buồn lắm! Bố mẹ em mới cãi nhau”, “Chị ơi, dạo này em bị mất động lực, em bị nản lắm í”. Ai rồi cũng có lúc sẽ muốn bỏ cuộc buông xuôi, ngay cả mình cũng vậy. Làm gia sư không chỉ dừng lại ở việc bạn có thể truyền đi bao nhiêu kiến thức mà là cảm hứng bạn trao đi để các em hứng thú với học tập như thế nào?
Bài học mình nhận ra: Gia sư không chỉ là dạy học, đó còn là quá trình người thầy truyền đi năng lượng và cảm xúc.
02. Phụ bàn:
Mình đăng kí làm phụ bàn ở một quán ăn mang thương hiệu franchise nổi tiếng. Vì chưa có nhiều kinh nghiệm trong ngành F&B nên gần như mình phải học hỏi lại từ đầu, từ cung cách phục vụ, đón khách, dọn bàn…đến trang phục, kĩ năng giao tiếp…Hồi ấy, mình chưa có xe máy, mỗi sáng để đến kịp giờ làm, mình đều bắt tuyến xe buýt 27 trước đó 45 phút, vì chuyến xe này đi trễ sẽ rất đông. Khi đi xe buýt, mình rất ít khi ngồi. Một phần vì muốn rèn luyện sức khỏe, một phần vì mình ngại đứng lên ngồi xuống để nhường ghế (mình quan sát tuyến này có nhiều cụ cao tuổi cùng đi). Những vị trí mình được giao thay đổi linh hoạt theo từng ca: có khi mình làm thu ngân, bồi bàn, có khi làm pha chế. Mình nhớ những giờ nghỉ giao ca, mình có cơ hội được ngồi tâm sự với các anh chị đồng nghiệp vào lúc cuối ngày. Mỗi người một hoàn cảnh và ai cũng mang trong mình một nỗi lo về cuộc sống. Chị H đang lo không biết có đủ học phí cho con tháng này không? Con chị đang tuổi ăn tuổi lớn, sung sức học hành, em K thì chỉ mong làm thêm có tiền phụ giúp gia đình trả nợ, còn mình làm thêm để trang trải sinh hoạt phí… 16k một giờ. Liệu số tiền nhỏ bé ấy có đủ sức để lấp đầy những lo toan vất vả của những con người nơi đây?
Những ca đêm làm đến 11 giờ, mình thường đứng ở trạm xe buýt ngước nhìn lên bầu trời cao. Nhìn những ánh sao lẻ loi mà mình lại thấy những vì sao kia thật giống mình. Ai đó đã từng nói: “Những vì sao chỉ sáng vì nhờ có màn đêm”. Mình đang là một nhân viên cấp thấp nhưng không đồng nghĩa với việc mình sẽ là nhân viên làm thuê cho ai đó cả đời. Chẳng ai có thể chỉ tay vào mặt mình và nói rằng: “Cuộc đời của cậu mãi mãi chỉ thế này thôi!”. Ai cũng có quyền được cố gắng. Chẳng qua là bạn có dùng đặc quyền ấy hay không?
Bài học mình nhận ra : Tiền lương cao hay thấp không định giá bạn là ai? Chỉ có bạn mới có thể định giá bản thân mình.
03. Bán hàng online:
Mình là người hướng nội, mình đã từng nghĩ mình không thể học kinh tế, làm sale hay bất kì công việc gì liên quan đến việc buôn bán. Nhưng rồi mình lại nghĩ “Mình đã thử buôn bán gì đâu mà lại nghĩ mình không làm được”. Vậy là mình đánh liều thử sức bản thân một chuyến xem sao, năm 2019, vào trước dịp tết nguyên đán, mình mạnh dạn xin phép mẹ được mở một shop kinh doanh nho nhỏ online. Có mất gì đâu, cùng lắm là thua lỗ thì mình vẫn nhận lại những bài học kinh nghiệm quý giá mà. Với mình, Tết không chỉ là dịp đoàn tụ nghỉ ngơi, đó còn là giai đoạn để mình có thể kiếm thêm một khoản thu nhập để chuẩn bị học phí cho năm học mới.
Hai sản phẩm chính của mình đó là mận sấy khô và táo đỏ. Có một số lí do khiến mình lựa chọn sản phẩm này, đó là:
Thứ nhất, nguồn hàng. Mình được một người chị họ giới thiệu nguồn hàng, mình kiểm chứng nhà sản xuất có trụ sở đặt tại Sapa và có dây chuyền chế biến đạt tiêu chuẩn quốc tế. Mận sấy còn được tham gia triển lãm hội chợ quốc tế nên mình cực kì yên tâm về chất lượng.
Thứ hai, phân khúc lạ. Bình thường mọi người sẽ thấy chuối sấy, táo sấy rất phổ biến nhưng mận sấy thì rất ít. Mình nếm thử thấy mận có vị rất tự nhiên, không bị ướp quá nhiều phụ gia như những hãng khác. Giá cả có vẻ hơi cao một chút nhưng xứng đáng với chất lượng này. Ngày nay, việc các loại mứt sấy khô gia công không còn được đánh giá cao vì quá trình sản xuất kém chặt chẽ và có thể gây ngộ độc thực phẩm, vì thế mình dự báo rằng người tiêu dùng luôn muốn được sử dụng một sản phẩm chất lượng cao, xuất xứ rõ ràng thay vì quan tâm quá nhiều đến giá thành của nó. Thêm nữa, khách hàng mà mình hướng đến lại là các mẹ, các bà, họ có thể mua để biếu tặng hoặc dùng tại gia.
Sau một hồi nghiên cứu thị trường, mình quyết định nhập hàng và lên chiến dịch marketing. Mình nói là marketing cho hoành tráng thôi nhưng thật ra mình chỉ viết một vài bài content rồi đăng trên các nền tảng xã hội mà mình dùng khi đó. Lần đầu tiên mình được trải nghiệm cảm giác, vừa làm CEO, vừa làm manager, vừa làm shipper, kiêm luôn cả PR viết bài,…Những ngày giáp Tết, những ngày mà đáng lẽ mình cần chuẩn bị tâm thế để nghỉ ngơi để đón một năm mới sum vầy, mình vẫn lựa chọn cố gắng. Ai lại 28 Tết vẫn tay điện thoại, tay gói hàng, mình nhớ chuyến hàng xa nhất mình đi đó là nhà bác M ở trên phố Hàng Gai. Vì Tết nhất đông đúc nên mình tra google đi suýt bị lạc. Tối về, thả mình trên chiếc giường êm ái, mình thở phào khi chuyến hàng cuối cùng được gửi đi.
Bạn hỏi mình hạnh phúc có vị gì?
Có lẽ là rất đắng!
Năm mới đến là mỗi năm ba mẹ sẽ già đi một tuổi. Mình cố gắng không phải để kiếm nhiều tiền hơn mà là để trưởng thành nhanh hơn, để tiết kiệm khoảng thời gian mình có thể báo đáp công ơn của hai đấng sinh thành, sớm ngày nào, hay ngày ấy!
Bài học mình nhận ra: Chưa thử thì đừng nói mình không làm được
04. Kinh doanh bảo hiểm:
Kinh doanh một sản phẩm hữu hình đã khó, kinh doanh một sản phẩm vô hình sẽ càng khó hơn. Nhưng khó không đồng nghĩa với việc không làm được. Khi một người mua bảo hiểm, họ sẽ trân trọng giá trị của nó khi có tai nạn hoặc rủi ro xảy đến với mình. Mình hay nói vui là “Chưa thấy quan tài chưa đổ lệ”. Hiểu đơn giản rằng, “Bảo hiểm giống như một chiếc ô mà bạn mang bên mình, chẳng may trời có mưa to sấm chớp bão bùng, bạn vẫn yên tâm vì có chiếc ô che chắn”
Mình biết đến bảo hiểm nhân thọ qua lời giới thiệu của chị N – một người chị thân. Sau khi tìm hiểu, mình cũng quyết định đầu tư cho bản thân một hợp đồng bào hiểm nho nhỏ, dù không nhiều những đó là một quỹ để đầu tư vào tương lai. Vì mình học Luật nên cũng nắm khá rõ về Luật Kinh doanh Bảo hiểm. Khoảng 01 tháng sau, mình thi đỗ chứng chỉ Bảo hiểm của Bộ Tài chính. Thi xong, mình có ý định sẽ trải nghiệm làm sale bảo hiểm vì với mình, ngành này có tính nhân văn sâu sắc. Sau một thời gian, mình bắt đầu có những hợp đồng đầu tiên nhưng dần dần tâm huyết của mình không còn nhiều như trước. Không phải vì mình không đủ kiên trì mà mình luôn cảm thấy thiếu sót về sự trưởng thành. Tuổi trẻ có ưu thế tuyệt đối về nhiệt huyết, dám thử, dám sai nhưng lại thiếu chiều sâu của một người từng trải. Mình thấy nhiều người muốn thành công sớm, họ ham chạy theo thành tích mà quên mất rằng những gì đến nhanh rồi cũng sẽ đi nhanh. Bạn biết không, cây tre phải mất bốn năm mới có thể cao thêm 03 cm, nhưng từ năm thứ năm trở đi, tre sẽ phát triển với tốc độ 30 cm mỗi ngày. Chỉ trong vòng 06 tuần, thân tre có thể đạt đến chiều cao 15 mét. Trong bốn năm đầu tiên, tre gần như không lớn, là vì chúng đang tập trung xây dựng bộ rễ khỏe mạnh. Trong các loài thân gỗ, độ bền của tre ưu việt hơn hẳn nhờ có bộ rễ chịu đựng được bão táp, gió sương. Trong cuộc sống cũng vậy, chúng ta phát triển dựa trên những giả trị cốt lõi, là những điểm mạnh, điểm yếu, trí tuệ, nghị lực… Suy cho cùng, tiền tài, quyền lực, danh vọng… chỉ là những yếu tố ngọn mà thôi! Thời điểm ấy, thật may mắn vì mình đã dừng lại, tập trung vào “bộ rễ”, trau dồi những giá trị cốt lõi mà mình theo đuổi.
Nhà văn Nam Cao đã từng nói: “Sống đã rồi hãy viết” mà không chỉ là việc viết thôi đâu, tất cả những lĩnh vực trong cuộc đời đều cần trải, cần cảm, mới có thể thấu được tinh hoa của nó.
Bài học mình nhận ra: Mọi sự bất ổn đều có ý nghĩa. Bạn nên mừng thay vì lo lắng về điều đó. Hãy dừng lại một chút để nhìn nhận lại những gì đã qua, reset lại tư duy để tạo ra những bước đột phá.
05. Content – Viết lách:
Trải qua nhiều sóng gió và những công việc khác nhau, cuối cùng mình cũng có thể tìm được công việc mà mình thực sự yêu thích. Còn nhớ khi đọc cuốn “From good to great “Từ tốt đến vĩ đại” của Jim Collins, mình nhận ra rằng để tìm kiếm một công việc trong mơ, công việc ấy phải hội tụ đủ ba tiêu chí:
Thứ nhất, việc bạn thích
Thứ hai, việc bạn giỏi
Thứ ba, việc mà xã hội cần.
Và content đã hội tụ ở mình cả ba điều ấy.
Mình bắt đầu viết lách từ năm nhất đại học, chỉ xuất phát đơn giản từ việc bắt đầu ghi lại những trải nghiệm của bản thân từ chuyện học, chuyện làm, chuyện nhà…Người đọc chỉ gói gọn trong phạm vi bạn bè và một vài thành viên trong gia đình mình lúc ấy.
Công việc content đầu tiên của mình gắn với việc viết ấn phẩm truyền thông nội bộ cho một trung tâm giáo dục. Hồi đó mình chỉ nghĩ đơn giản rằng, viết content giống như viết văn khi thi đại học, chỉ cần đặt bút viết theo bản năng và những gì mình nghĩ là có thể tạo ra một bài viết đạt yêu cầu. Nhưng không! Mình thực sự quá ngây thơ khi không biết rằng người ta chẳng dễ dàng chi tiền để “mua chữ” của mình như thế! Mình – một cô bé 18 tuổi – nắm trong tay vốn kiến thức ít ỏi về truyền thông đã phải lặn lội từ con số không để bắt đầu hành trình tích góp từng “hạt” kiến thức!
Ban ngày đi học, tối về dù mệt mỏi rã rời, mình vẫn cố gắng lên mạng học hỏi thêm một điều gì mới. Mình tự học cách chỉnh ảnh, làm ảnh, cách làm website, tự học SEO, đọc và ghi chú những cuốn sách mà các anh chị mentor đã dặn, thực tập không lương, chủ động rải CV để gom nhặt kinh nghiệm thực tế…Những buổi trưa thay vì nghỉ ngơi, mình lại ngồi biên tập những bài đã viết. “Đoạn này có nên cắt không?”, “Từ này dùng đã chuẩn chưa?”,”Đặt lại cái title cho thu hút xem nào?”…Mình nhớ nhà văn người Nhật nổi tiếng Murakami đã từng nói: “Có lẽ xét theo một mặt nào đó thời trẻ trải qua những giai đoạn cô độc cũng là điều cần thiết chăng. Đối với sự trưởng thành của một người, điều này giống như cây cối muốn lớn lên khoẻ mạnh phải chống chọi vượt qua mùa đông lạnh giá”. Những ngày tháng âm thầm đến cô độc, mình cứ lặng lẽ làm những việc cần phải làm. Mình không sợ học hỏi. Thứ mình sợ là sự tự ti, nhút nhát, là “điểm mù” kiến thức mà mình không dám nói ra.
Mình không xuất thân từ trường Báo cũng chẳng học viết qua đào tạo một trường lớp chính quy nào! Xuất thân có phải là rào cản không, khi bạn nhận ra mình thực sự yêu thích công việc này và muốn gắn bó, phát triển sự nghiệp cùng với nó? Tại sao bạn phải tự ti? Xuất phát điểm chẳng nói lên điều gì! Người thành công sẽ chỉ nói chuyện với nhau khi họ cùng trở về vạch đích. “Mây tầng nào gặp mây tầng đó”. “Muốn biết phải hỏi, muốn giỏi phải học”. Từ những bài viết 50-100k đến những bài viết 500k, từ những bài viết đầu tiên không có một lượt like, share đến những bài viết “viral” là cả một chặng đường chan chứa niềm vui và nước mắt. Ở đó, chỉ có mình âm thầm với con chữ, lắng nghe tiếng “lạch cạch” của bàn phím vang lên hằng đêm, là tiếng nhắc nhở của mẹ mình “Con ngủ sớm đi, mai làm tiếp!”. Mình không biết mai sau mình có thể làm một công việc khác không, nhưng trong giây phút này, mình cảm thấy hạnh phúc khi ngày ngày được viết.
Còn bạn thì sao, dạo này công việc của bạn thế nào?
Dù bạn đang làm bất cứ công việc gì, mình cũng mong bạn luôn cảm thấy hạnh phúc khi được làm công việc đó!