Chia sẻ tại Tọa đàm “Kiểm soát nguồn vốn vào bất động sản – Chính sách và tác động” do Báo Xây dựng tổ chức sáng 11/5, TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế cho biết, bất động sản là một bộ phận rất quan trọng của nền kinh tế nhưng nhiều người dường như đang coi là kẻ địch của nền kinh tế.
Hiện nay có rất nhiều người vẫn mông lung và hiểu sai về vai trò của ngành bất động sản và cho rằng lĩnh vực này không đóng góp gì cho đất nước, chỉ là kênh đầu cơ và có rủi ro. Hoặc, nói đến bất động sản là nhiều người ngay lập tức nói đến bong bóng bất động sản.
Tuy nhiên, theo TS Vũ Đình Ánh, BĐS thực tế là đầu vào cho tăng trưởng và cũng là kết quả cho câu chuyện tăng trưởng, kể cả tầm vĩ mô cho đến tầm vi mô, từ hộ gia đình cho đến cá nhân. “Nếu chúng ta ứng xử với bất động sản như thế này thì suốt ngày sẽ chỉ đi bàn câu chuyện siết hay kiểm soát”.
Chuyên gia này cảnh báo, nếu không ứng xử tốt với thị trường bất động sản, thị trường tài chính tiền tệ, nền kinh tế có thể sẽ bước vào suy thoái dù chưa hồi phục sau ảnh hưởng của đại dịch.
Nói riêng về siết tín dụng, ông Ánh nhấn mạnh vấn đề ở đây không phải là siết hay thắt chặt hoặc kiểm soát mà thay vào đó phải lành mạnh hóa, không phải bóp nghẹt.
Theo nhiều ý kiến chuyên gia, việc siết tín dụng vào lĩnh vực rủi ro là không sai nhưng không nên làm đại trà hay đánh đồng tất cả. Cách làm như vậy sẽ làm ảnh hưởng tiêu cực cho nhiều ngành khác và cả nền kinh tế.
Theo công bố của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, quy mô ngành BĐS của Việt Nam giai đoạn 2020-2030 có thể lên đến 22% so với tổng tài sản toàn nền kinh tế. Bất động sản từ lâu được xem là đầu tàu của cả nền kinh tế, đóng góp thông qua khả năng lan tỏa đến trên 40 ngành kinh tế quan trọng khác của nền kinh tế, nhất là những ngành liên quan trực tiếp như xây dựng, công nghiệp chế biến chế tạo, du lịch, lưu trú, ăn uống và tài chính, ngân hàng…
Bất động sản bị đình trệ, kéo theo sự đình trệ của cả nền kinh tế. Trong trường hợp giá trị sản xuất của nhóm ngành BĐS thay đổi giảm 10% sẽ kéo theo GDP giảm 1,247%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chịu ảnh hưởng mạnh nhất, giảm tới 0,861%, tiếp theo đó là các ngành: Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản (giảm 0,366%); du lịch (giảm 0,352%); dịch vụ khác (giảm 0,348%)…