I. “BÁ VƯƠNG BIỆT CƠ” THUỘC THỂ LOẠI GÌ ? VÀ TÌNH YÊU XUẤT HIỆN TRONG TÁC PHẨM NÀY NHƯ THẾ NÀO?
Trước nhất hãy nói về thể loại của phim, hiện nay, nhiều người nhầm lẫn rằng phim thuộc thể loại “đam mỹ” hoặc “ngôn tình”. Suy nghĩ như vậy có phần đóng khuôn và sai lệch với bộ phim này vì tác phẩm vốn là phim nghệ thuật với nội dung chính về tâm lý- xã hội. Trong “Bá vương biệt Cơ” tình yêu đôi khi lại không phải tình yêu mà cơ hồ toàn những mộng tưởng, nhầm lẫn của các nhân vật.
Ở tình yêu của nhân vật Trình Điệp Y dành cho Đoàn Tiểu Lâu, người xem sẽ thắc mắc rằng đó là tình yêu hay Trình Điệp Y vốn đang muốn sống trong kịch, anh muốn Đoàn Tiểu Lâu vĩnh viễn trở thành Tây Sở Bá Vương của mình. Cách thể hiện tình yêu của Trình Điệp Y chứng minh điều đó, anh sẵn sàng để Viên đại nhân chạm vào mình đổi lại thanh kiếm mà khi xưa Tiểu Lâu từng cầm và nói: “Nếu có thanh kiếm này tôi sẽ đánh thắng. Tôi sẽ trở thành Bá vương còn anh sẽ là Hoàng Hậu”. Hay Điệp Y tuyệt vọng gào thét lúc Tiểu Lâu bị đem ra đấu tố và phản bội anh: “Nhưng bây giờ ngay cả vua nước Sở cũng quỳ gối xin tha mạng….”.
Còn tình yêu của Viên đại nhân dành cho Trình Điệp Y, liệu có phải tình yêu không hay đó là mong muốn có được nàng Ngu Cơ, mong muốn được trở thành Tây Sở Bá vương của Viên đại nhân ? Khi Trình Điệp Y bị bắt, Viên đại nhân vốn đã không mảy may quan tâm cho đến khi Cúc Tiên cầm thanh kiếm tới và nói rằng: “Đắc Di đang chờ chủ nhân của thanh kiếm tới cứu”. “Chủ nhân của thanh kiếm” nói cách khác chính là một “Tây Sở Bá vương” nào đó, Cúc Tiên thật thông minh, cô khiến Viên đại nhân nhận ra đây là cơ hội nắm lấy thanh kiếm và trở thành một Bá vương nên đã đồng ý cứu Đắc Di (tức Điệp Y) đang bị bắt.
Về phần tình yêu của Cúc Tiên dành cho Đoàn Tiểu Lâu thì đây chính là thứ tình cảm “ra dáng” tình yêu nhất trong tác phẩm này. Cô không cần gì nhiều, thậm chí có phần sợ hãi hào quang sân khấu, cô chỉ cần một mái ấm với người mình yêu. Suy nghĩ của Cúc Tiên có phần thực tế đấy nhưng cô ấy vẫn có phần ảo tưởng. Cái ảo mộng của Cúc Tiên nằm ở chính con người mà cô ấy yêu, cô yêu một Tiểu Lâu nghĩa hiệp đã cứu cô khi ở lầu xanh, một Tiểu Lâu không hề khinh rẻ thân phận của cô. Nhưng Tiểu Lâu vốn đâu phải vậy, tình yêu của anh ấy dành cho cô vốn không sâu nặng như cô vẫn nghĩ nên Cúc Tiên đã tuyệt vọng đến cùng cực khi chứng kiến cảnh Tiểu Lâu hèn nhát, ruồng bỏ cô, gọi cô là “gái điếm” trên đài đấu tố.
Dường như một tình yêu đúng nghĩa, được vun đắp từ hai phía không xuất hiện trong tác phẩm này. Các nhân vật đều ôm chặt mộng tưởng của mình và đôi khi họ tưởng rằng họ đang yêu.
II. TRÌNH ĐIỆP Y: HOẶC LÀ TRƯƠNG QUỐC VINH, HOẶC KHÔNG AI
Không ai hiểu con bằng mẹ! Trong trường hợp này nhân vật Trình Điệp Y là đứa con tinh thần của nhà văn Lý Bích Hoa. Lý Bích Hoa đã đưa ra điều kiện để Trần Khải Ca được bấm máy bộ phim dựa trên tác phẩm của bà chính là diễn viên đóng Trình Điệp Y phải là Trương Quốc Vinh. Trình Điệp Y là một nhân vật mà có lẽ hàng chục năm sau cũng không có diễn viên nào dám diễn lại. Bởi vì Điệp Y là một nhân vật khó, rất khó diễn về cả ngoại hình lẫn tâm lý. Trước nhất nói về ngoại hình, Trình Điệp Y phải ĐẸP!!! Một vẻ đẹp “khuynh nước khuynh thành” tựa như một đại mỹ nhân, như Ngu ái nương. “Tìm đâu ra một nam diễn viên mang vẻ đẹp ấy?” sẽ không ít khán giả nghĩ như vậy. Và nếu bạn chưa coi phim của Trương Quốc Vinh, bạn cũng có thể dễ dàng nghi ngờ sự lựa chọn của Lý Bích Hoa. Trương Quốc Vinh không đẹp kiểu choáng ngợp như Tôn Long, lãng tử như Lưu Đức Hoa, thâm trầm như Lương Triều Vỹ…. thậm chí bạn có thể nói “Anh ấy đâu có đẹp” hoặc nếu có đẹp thì cũng là đẹp kiểu gần gũi, đơn giản. Ngay khi đã coi “Bá vương biệt Cơ” trong những đoạn đầu phim bạn sẽ khó lòng nhớ đến Trương Quốc Vinh bởi Trình Điệp Y là một người muốn sống trong kịch, muốn hòa vào mộng nên anh ấy luôn mang lớp hoá trang trên mặt. Bạn chỉ có thể chiêm ngưỡng một diễn viên kinh kịch với cử chỉ dịu dàng, uyển chuyển, mềm mại như nước cùng ánh mắt ma mị trên sân khấu hoặc si tình, ngây dại khi nhìn bạn diễn của mình. Nhưng khi đến phân cảnh Trình Điệp Y cởi bỏ lớp hoá trang và ngồi uống rượu với Viên đại nhân, bạn mới sực nhớ ra rằng “Trương Quốc Vinh đang đóng vai này”. Rồi bạn sẽ nhận ra anh ấy đẹp, từng đường nét và ánh mắt đều mang lại cảm giác mong manh, mềm mại mà lại ma mị, đẹp một cách kinh diễm, là vẻ đẹp kiều diễm đến không thể chạm tới chứ không hề gần gũi, quen thuộc. Vẻ đẹp của Trương Quốc Vinh chính là vẻ đẹp của Trình Điệp Y xé sách bước ra và đúng như lời miêu tả của Viên đại nhân: “Một nụ cười đem đến cả mùa xuân. Một giọt lệ làm đen tối cả đất trời”.
Còn về tâm lý, có thể nói tâm lý nhân vật Trình Điệp Y vô cùng khó bóc tách. Một nhân vật từ nhỏ đã chịu cảnh bị người mẹ là kỹ nữ chặt đứt một ngón tay và bỏ rơi ở gánh hát, có người bạn học phút trước còn cùng khóc xem kịch phút sau đã treo cổ vì không chịu nổi áp lực ở gánh hát, bị xâm hại bởi một tên thái giám…. Cuộc đời của Trình Điệp Y có những cột mốc từ cột mốc nhỏ đến cột mốc lớn, cột mốc đầu tiên là khi cậu rơi lệ lúc nhìn những diễn viên nổi tiếng trên sân khấu. Cậu bắt đầu có sự thôi thúc trong nội tâm, bắt đầu muốn gắn bó với kinh kịch bất chấp mọi khổ ải ở gánh hát. Nhưng cậu chỉ muốn gắn bó thôi chứ cậu chưa trở thành một người của nghệ thuật. Cậu chưa hề hoà mình vào nó vì vẫn luôn đọc sai câu “Bản chất ta là nữ, không phải là nam” thành “Bản chất ta là nam, không phải là nữ”. Cho đến khi người anh Tiểu Thạch Đầu vốn luôn ân cần với cậu phải lấy cái tẩu của sư phụ xoáy vào trong miệng của Đậu Tử (Điệp Y) thì lúc này cậu bé với cái miệng chảy hàng máu, mắt tuôn hai hàng lệ mới lần đầu tiên hát đúng câu “Bản chất ta là nữ, không phải là nam”. Phải chăng ngay tại khoảnh khắc ấy, Điệp Y đã quay lưng với bản ngã của mình mà từng bước đặt chân vào thế giới của nghệ thuật, của kịch, của mộng ? Và trong suốt những năm sau đó, dù xã hội biến động như thế nào, Trình Điệp Y vẫn luôn sống như vậy, không chịu rời khỏi kịch ngay cả khi đèn sân khấu đã tắt. Trong khoảng thời gian này, nhân vật Trình Điệp Y phải thể hiện một lúc ba con người. Trên sân khấu, Điệp Y phải là một trong tứ đại mỹ nhân, lộng lẫy, hào nhoáng và xinh đẹp hơn cả. Khi kịch tàn, Trình Điệp Y là một kẻ không phân biệt mộng và thật, vẫn luôn là Ngu Cơ đem lòng yêu Hạng Vũ của mình, vẫn giữ những đường nét cử chỉ uyển chuyển, dịu dàng và đôi lúc là chua ngoa, sắc sảo khi ghen với Cúc Tiên. Nhưng cũng phải có những lúc bản ngã của một người đàn ông sống cuộc đời khổ ải trỗi lên trong con người Trình Điệp Y, đó là khi anh vật vã vì cai thuốc, anh gào thét điên dại đập vỡ hết đồ đạc bằng bàn tay rướm máu, có lẽ lúc ấy nỗi đau thể xác đã kéo theo bản ngã vốn đã nằm yên trong cõi lòng anh cùng trỗi dậy. Qua những biến cố cuộc đời, quá trình nhận ra Bá vương của đời mình là giả, Trình Điệp Y đi đến một cột mốc lớn khác của cuộc đời, sau hàng chục năm, khi được đứng trên sân khấu sau Đại cách mạng văn hoá, Điệp Y đã sửa lại câu hát “Bản chất ta là nữ, không phải là nam” thành “Bản chất ta là nam, không phải là nữ”. Sự thức tỉnh của Trình Điệp Y, khi thực sự đối mặt với sự thật, anh rút thanh gươm của Đoàn Tiểu Lâu và tự sát. Một vai diễn có tâm lý phức tạp như thế nhưng Trương Quốc Vinh thực hiện nó rất đỗi nhẹ nhàng, anh thật sự vô cùng hiểu rõ Trình Điệp Y.
Nói thêm về đôi mắt của Trương Quốc Vinh, vốn là đôi mắt của điện ảnh, đôi mắt và ánh nhìn của anh được những đạo diễn lớn như Trần Khải Ca, Vương Gia Vệ lẫn công chúng thời ấy hết sức ca ngợi. Trương Quốc Vinh lại là một người rất biết diễn bằng mắt, đôi mắt của kẻ phụ bạc Húc Tử trong A Phi chính truyện và đôi mắt si tình, ngây dại của Trình Điệp Y khi để cảnh nhau thật khiến người ta sững sờ. Và cũng đôi mắt ấy vừa mới hờn ghen, khiêu khích nhìn Cúc Tiên đã quay sang ngấn lệ, chan chứa ái tình với Tiểu Lâu. Mọi thứ anh làm đều ở mức hoàn hảo vô cùng. Cũng chính vì sự hoàn hảo đó nên thật nực cười khi hiện nay, phần lớn là ở các diễn đàn trên mxh TQ, cứ thi thoảng khi có một bộ phim đam mỹ nào đó ra đời, một bộ phim nào có vai Đán, khi thì ekip sẽ dùng các cụm từ như “tưởng nhớ Trương Quốc Vinh”, “Trương Quốc Vinh/Trình Điệp Y thứ hai” để pr cho phim hoặc diễn viên, khi thì fan sẽ so sánh thần tượng với Trương Quốc Vinh. Nói về đề tài, phong cách nếu đem những tác phẩm nặng tính thị trường, đại chúng với một tác phẩm vừa thành công về mặt thị trường vừa nặng tính nghệ thuật như “Bá vương biệt Cơ” thì thật là không ăn nhập, còn nếu đem so diễn xuất của Trương Quốc Vinh mà đặc biệt là trong vai Trình Điệp Y với diễn xuất của bất kì nam diễn viên Trung Quốc nào hiện tại thì cũng thật là ấu trĩ.
III. ỐNG KÍNH CỦA TRẦN KHẢI CA QUAY ĐƯỢC CÂU CHUYỆN CỦA NHÂN VẬT LẪN CÂU CHUYỆN CỦA THỜI ĐẠI
Thứ khiến thế giới phải kinh ngạc trước tác phẩm đỉnh cao nhất của Trần Khải Ca chính là sự hoà hợp giữa cái “riêng” và cái “chung”. Xuyên suốt tác phẩm, ống kính của “Bá vương biệt Cơ” lần lượt “thu hẹp” vào câu chuyện riêng cuộc đời của nhân vật Trình Điệp Y cùng các nhân vật khác như Cúc Tiên, Tiểu Lâu, Viên Sĩ Quần trong lòng xã hội Trung Hoa rồi lại “phóng to” vào câu chuyện của toàn bối cảnh xã hội Trung Hoa trong 50 năm từ thời Dân quốc đến sau Đại cách mạng văn hoá. Lần lượt như thế câu chuyện của cá nhân và câu chuyện của thời đại lồng vào nhau, cái “riêng” và cái “chung” hoà vào nhau. Trần Khải Ca đã đạt đến đỉnh cao làm mờ đi ranh giới giữa chung và riêng và kể câu chuyện của cá nhân lẫn câu chuyện của thời đại một cách mượt mà và tạo ra một tác phẩm nghệ thuật vừa vị nghệ thuật lại vừa vị nhân sinh.
Nếu nhân vật Trình Điệp Y từng đứng trước sự giằng co rằng giữ hay bỏ bản ngã để hoà mình vào kinh kịch thì xã hội lúc bấy giờ cũng đang tự đấu tranh. Trong đại cách mạng văn hoá, xã hội ấy đứng trước những giá trị văn hoá do chính mình tạo ra mà đặt câu hỏi rằng: “Giữ hay Bỏ?”. Và nếu quyết định bỏ đi những giá trị văn hoá ấy thì tức tự bỏ đi một phần “xương máu” của mình, tất yếu sẽ có cuộc chiến tàn khốc nổ ra trong lòng xã hội. Những cuộc đấu tố bắt đầu, những nghệ sĩ sống với loại hình nghệ thuật lâu đời như Trình Điệp Y với kinh kịch lần lượt bị giày xéo. Và cũng có những sự thay đổi về lối sống, về con người nếu trước kia, hai nghệ sĩ thành danh như Trình Điệp Y và Đoàn Tiểu Lâu có thể sẵn sàng quỳ chịu phạt trước sư phụ thì thế hệ sau là Tiểu Sĩ lại không đủ “tôn sư trọng đạo” mà một bước phản bội lại thầy và môn nghệ thuật mà mình gắn bó.
IV. CÚC TIÊN (CỦNG LỢI)- NÀNG NGU CƠ CỦA ĐỜI THƯỜNG, TIỂU LÂU (TRƯƠNG PHONG NGHỊ)- VỊ ĐẾ VƯƠNG GIẢ
Nhân vật Cúc Tiên chính là dành cho Củng Lợi: Một cô gái sắc sảo, lanh lợi có phần cao thượng nhưng sống một cuộc đời đầy bi thương. Khác với Trình Điệp Y là Ngu Cơ của kịch, cô là Ngu Cơ của đời thường. Nàng rất cao thượng những lần Điệp Y bị ruồng bỏ đều là Cúc Tiên đến an ủi nhưng nàng cũng có lòng nhỏ nhen của khi đi nước cờ lừa Điệp Y rằng nếu anh cứu Tiểu Lâu thì mình sẽ trở về chốn thanh lâu. Cuộc đời mang bi kịch ập đến với Điệp Y thì cũng không bỏ qua Cúc Tiên, nàng vì tin tưởng vào sự nghĩa hiệp của Đoàn Tiểu Lâu mà mang hết tiền chuộc mình khỏi lầu xanh rồi lại ôm mộng về một gia đình nhỏ với người đàn ông mà mình yêu, ôm hy vọng về đứa con chưa chào đời. Nhưng kết quả thì sao? Cúc Tiên sảy thai rồi lại chứng kiến cảnh người chồng nghĩa hiệp, sắt son công khai phản bội nàng. Sau đó, tựa như Ngu Cơ rút kiếm tự vẫn theo Hạng Vũ, Cúc Tiên mặc bộ váy cưới đỏ treo cổ tự vẫn theo đại trương phu vốn đã chết của lòng nàng.
Về Trương Phong Nghị, bạn có thể gặp anh ấy vào vai Thuỷ Hoàng đế trong “Đại đế Tần Thuỷ Hoàng”, là bậc minh quân Đường Thái Tông trong “Võ Mỵ Nương truyền kỳ”, Tào Tháo trong “Đại chiến Xích Bích” hay gần đây là Ung Chính đế trong “Hậu cung Như Ý truyện”… Có thể nói sở trường của Trương Phong Nghị chính là diễn tả cái nét uy lực của bậc đế vương uy danh tứ phương, ánh mắt tham vọng của những kẻ ôm mộng bá chủ thiên hạ. Nhưng ở “Bá vương biệt Cơ” người ta thấy một hình ảnh tưởng lạ mà quen, quen mà lạ của Trương Phong Nghị. Vẫn là một bậc đế vương, là Hạng Vũ lẫy lừng trong lịch sử nhưng lần này là đế vương… “giả”. Đoàn Tiểu Lâu là một mắt xích vô cùng quan trọng trong một tác phẩm đồ sộ như “Bá vương biệt Cơ”, anh là người thực tế nhất trong các nhân vật và anh cũng là “sự thật” đối lập với cái mộng tưởng của hai nàng Ngu Cơ Điệp Y- Cúc Tiên. Với Điệp Y anh là Bá Vương “giả” “không thể bước đủ bảy bước”, với Cúc Tiên anh là một đại trượng phu “giả” không thể bảo vệ cô, không thể một lòng son sắt với cô. Thay vào đó anh tỏ rõ sự hèn nhát, tham sống sợ chết, quay lưng, phản bội và bán đứng hai người yêu mình trên đài đấu tố. Nhưng sự thật là thế, người ta không trách được rằng do Tiểu Lâu quá tầm thường hay do ảo mộng của Cúc Tiên và Điệp Y quá cao xa. Vì những gì Tiểu Lâu làm chính là thực tế, không ai hoàn hảo, uy quyền như bậc đế vương chỉ có trong kịch cũng không ai đứng trước cái chết mà vẫn son sắt, nghĩa hiệp.
V. NHỮNG PHÂN CẢNH ĐẶC BIỆT
*Hai phân cảnh đốt áo của Trình Điệp Y: Cậu bé Đậu Tử dứt khoác đốt chiếc áo mẹ để lại và Trình Điệp Y hờ hững đốt trang phục biểu diễn kinh kịch -> Cậu bé Đậu Tử muốn xoá đi quá khứ với người mẹ đã bỏ rơi cậu, Trình Điệp Y muốn rời bỏ kinh kịch khi bước đầu nhận ra sự thoả hiệp với thực tại của Bá vương (Đoàn Tiểu Lâu chấp nhận diễn với Tiểu Sĩ- kẻ cướp vai Ngu Cơ của Điệp Y)
*Phân cảnh Cúc Tiên ôm Điệp Y vào lòng, đắp thêm trang phục biểu diễn cho anh khi anh mê man nhớ về ký ức bị mẹ mình c hặt đứt ngón tay “Tay con lạnh quá. Mẹ! Tay con lạnh như băng vậy”. Sau đó, Cúc Tiên đã khóc và ôm anh vào lòng: “Không sao. Mọi việc sẽ ổn thôi”.-> Một đứa con mất mẹ và một người mẹ mất con gặp nhau, hai nàng Ngu Cơ ôm lấy nhau. Trớ trêu thay! Cuộc đời đầy bi kịch của họ như một vòng lặp, ngày xưa chính mẹ Điệp Y là một kỹ nữ và bà đã gieo rắc đau khổ vào anh ngay thời nhỏ và nay cũng vẫn là một người kỹ nữ đã mang đau khổ đến đời anh trong vai mẹ và anh lại là con.
*Phân cảnh Điệp Y kề kiếm vào cổ rồi buông thõng kiếm xuống cùng hàng lệ tuôn rơi -> Không cần gì nhiều chỉ cần ánh mắt long lanh, mơ hồ cùng hàng lệ tuôn rơi Trương Quốc Vinh đã cho chúng ta thấy như thế nào là “Một nụ cười đem đến cả mùa xuân. Một giọt lệ làm đen tối cả đất trời”.
*Phân cảnh Viên Sĩ Quần khinh bỉ Đoàn Tiểu Lâu: “Khi nhà Vua trở về gặp Ngu Cơ, đúng theo vở kịch, Ngài phải bước 7 bước nhưng anh lại bước có 5”. -> Viên Sĩ Quần là người đầu tiên nhận ra Đoàn Tiểu Lâu chỉ là đế vương “giả”, là Bá vương “không thể bước đủ 7 bước”
*Phân cảnh Điệp Y tố cáo Cúc Tiên là gái điếm -> Dường như một nửa để trút giận, một nửa mong muốn Tiểu Lâu sẽ bảo vệ Cúc Tiên để niềm tin về Bá vương của Điệp Y bấy lâu nay không bị dập tắt
*Phân cảnh Tiểu Lâu, Điệp Y ngồi cạnh tên thái giám năm nào giờ đang bán thuốc lá dạo -> Báo hiệu về sự thay đổi của xã hội, cơ hồ rằng chính hai nghệ sĩ từng vang danh như họ cũng bị thời thế đẩy xuống vực sâu giống vậy.
*Phân cảnh sau khi chứng kiến Điệp Y tự sát, Tiểu Lâu đã hét vang “Đắc Di” rồi lại nói bằng giọng nhẹ tênh “Đậu Tử”-> Mộng tưởng kết thúc, tất cả còn lại là thực tế
*Những phân cảnh thể hiện tình yêu sâu sắc, thuỷ chung của Điệp Y dành cho Kinh kịch: Không thể nói sai về những người Nhật đã nghe anh hát, coi mực đỏ điểm chỉ ở Toà án chỉ như son để hoá trang, trang điểm tỉ mỉ ngay cả trước khi lên đài đấu tố, sẵn sàng hát cho bất kì ai biết thưởng thức kinh kịch, không thoả hiệp mà sẵn sàng bảo vệ quan điểm nghệ thuật khi lên tiếng nói về những cải cách tuồng cổ: “Nếu ăn mặc thế này và đứng trước phông màn thế này thì không có hiệu quả. Tôi e rằng đây là lúc cáo chung của tuồng cổ”….