☆Bài viết đầu tiên trên gruop☆
Bài viết phân tích bức thư dụ hàng Đại Cồ Việt của vua Tống Thái Tông, do Vương Vũ Xứng chắp bút. Được trích theo Đại Việt sử ký toàn thư.
✒ Tháng 8, vua Tống xuống chiếu đem quân sang xâm lược, sai Lư Đa Tốn đem thư sang nói rằng:
“Trung Hoa đối với Man Di, cũng như thân người có tứ chi, vận động duỗi co tùy ở tim mình, cho nên nói tim là chủ. Nếu ở một tay một chân mà mạch máu ngừng đọng, gân cốt không yên thì phải dùng thuốc thang để chữa. Chữa mà không công hiệu thì lại phải châm cứu cho kỳ khỏi, không phải là không biết thuốc thang thì đắng miệng, mà châm chích thì rách da. Phải làm như thế là vì tổn hại ít mà lợi ích nhiều. Kẻ làm vua thiên hạ cũng phải làm như vậy chăng?
Cho nên Thái Tổ Hoàng Đế ta nhận ngôi do nhà Chu nhường, đổi tên nước là Tống, văn vật trong sáng, một phen biến đổi theo xưa, ở ngôi đế vương mà nhìn Man Di mắc bệnh. Cho nên năm thứ 1 thứ 2 thì thuốc thang cho các đất Kinh, Thục, Tương, Đàm, năm thứ 3 thứ 4 thì châm cứu cho các miền Quảng, Việt, Ngô, Sở, gân cốt huyết mạch ra dáng trẻ non, có phần khỏe mạnh. Không do cơ trí thần diệu sáng suốt của bậc vương giả mà trù liệu được đến thế ư? Đến khi ta nối giữ cơ nghiệp lớn, đích thân coi chính sự, cho rằng đất Phần, đất Tinh là bệnh ở lòng bụng, nếu lòng bụng chưa chữa khỏi thì làm sao chữa nổi tứ chi? Vì thế mới luyện thuốc thang bằng nhân nghĩa, sửa đồ châm cứu bằng đạo đức, hết sức chữa cho các đất Phần, Tinh chỉ một lần là khỏi bệnh, chín châu bốn biển đã mạnh lại yên. Chỉ có Giao Châu của ngươi ở xa cuối trời, thực là ngoài năm cõi.
Nhưng phần thừa của tứ chi, ví như ngón chân ngón tay của thân người, tuy chỉ một ngón bị đau, bậc thánh nhân lại không nghĩ đến hay sao? Cho nên phải mở lòng ngu tối của ngươi, để thanh giáo của ta trùm tỏa, ngươi có theo chăng? Huống chi từ thời Thành Chu, nước ngươi đã đem chi trĩ trắng sang dâng, đến thời Viêm Hán, dựng cột đồng làm mốc, cho đến thời Lý Đường, vẫn thuộc về nội địa. Cuối thời Đường nhiều họa nạn, chưa kịp xử trí.
Nay thánh triều lòng nhân trùm khắp muôn nước, cơ nghiệp thái bình kể cũng đã thịnh. Lễ phân phong đã sắp đặt sẵn, còn đợi ngươi đến chúc sức khỏe của ta. Ngươi đừng ru rú trong bốn góc nhà, khiến cho ta buồn phiền, phải chém cờ bổ so làm cỏ nước ngươi, hối sao cho kịp. Dù cho sông nước ngươi có ngọc, ta vứt xuống suối; núi nước ngươi sản vàng, ta ném vào bụi, để thấy chẳng phải ta tham của báu nước ngươi. Dân của ngươi bay nhảy còn ta thì có ngựa xe; dân ngươi uống mũi còn ta thì có cơm rượu để thay đổi phong tục của nước ngươi; dân ngươi bắt tóc còn ta thì có áo mũ, dân ngươi nói tiếng chim, còn ta thì có Thi, Thư, để dạy lễ cho dân ngươi. Cõi nóng chói chang, khói hơi mù mịt, ta tỏa mây Nghiêu, tưới cho mưa ngọt. Khí biển hầm hập, cháy mày chảy đá, ta gảy đàn Thuấn, quạt làn gió thơm. Sao trên trời nước ngươi, chẳng ai biết tên gì, ta quay chòm tử vi để ngươi biết chầu về. Đất ngươi nhiều ma quỷ, ai cũng sợ chúng quấy, ta đã đúc vạc lớn, khiến chúng không làm hại. Ra khỏi chốn đảo di của ngươi mà xem nhà Minh đường, Bích ung chăng? Trút áo quần cỏ lá của ngươi mà mặc áo cổn hoa thêu hình rồng núi chăng? Ngươi có theo về hay không, chớ mau chuốc lấy tội.
Nay ta đang chỉnh đốn xe cộ quân lính, truyền hiệu lệnh chiêng trống. Nếu chịu theo giáo hóa, ta sẽ tha tội cho, nếu trái mệnh ta sẽ sai quân đánh. Theo hay chống, lành hay dữ, tự ngươi xét lấy.” ✒
Mặc dù là là bức thư dụ hàng, nhưng Vương Vũ Xứng chỉ dùng lối hư văn với giọng điệu khoe khoang, khoác lác mà không hề viết gì về nhược điểm, khó khăn của quân ta. Đọc bức bức thư từ đầu đến cuối chỉ thấy toàn những lời đe dọa phi thực tế, không hề đánh đúng tâm lý của người lãnh đạo của phe đối phương. Vậy những điều phi thực tế đó là những gì?
☘ 1. Phần 1 của đoạn chiếu thư là phần đặt vấn đề cho toàn bài, dùng cách đặt tả, ví von việc đánh dẹp như việc trị bệnh. Xem “man di” như tay chân mà xem “trung hoa” như trái tim, xem việc chiêu an, dụ hàng như là trị bệnh bằng thuốc mà xem việc điều binh đánh dẹp là châm cứu. Họ Đinh theo lệ triều cống, nhận tước Quận vương, ấy vậy mà Tống triều nhân buổi trong nước ta rối loạn, âm thầm gấp rút cử quân Kinh, Hồ áp sát biên giới, muốn đánh kiểu “sét đánh không kịp bịt tai”, đã quá rõ ràng ý định xâm lược, trái hẳn những gì lập luận, quả là tham lam như sài lang mà ngoài miệng thì không ngớt điều nhân nghĩa.
☘ 2. Phần 2 nhằm khoa trương thanh thế, diễu võ giương oai với những công lao đánh dẹp các miền Kinh, Thục, Tương, Đàm, Quảng, Việt, Ngô, Sở, Phần, Tinh của Tống Thái Tổ và Tống Thái Tông. Nhưng hỡi ôi, đã đặt tả vấn đề như là chữa bệnh, nên việc đánh dẹp các vùng cũng được ví von là chữa bệnh khắp nơi trên cơ thể. Vô tình, đoạn văn này miêu tả “trung hoa” như một con bệnh – một con bệnh thực thụ, bệnh từ tứ chi vào đến nội tạng. Vì sao vậy? Chính là hậu quả cuộc nạn cát cứ thời Ngũ đại. Tống triều cố gắng thống nhất, cho đến năm 979 nhà Tống mới đánh bại Bắc Hán (đất Phần, Tinh), trên căn bản thống nhất, ấy vậy mà năm sau “con bệnh mới khỏi” này lại muốn đi đánh nhau, Lê Đại Hành không cười cho hay sao? Nếu Lê Đại Hành có cho mật thám qua lại biên giới hai bên tất biết rằng Tống Thái Tông tuy mới bình định đất Phần, đất Tinh nhưng cũng vừa thua thảm trước người Liêu, 16 châu Yên Vân còn bỏ ngõ và ông cũng sẽ biết nhà Tống tuy bình định được đất Thục nhưng cũng không đủ sức lực mà động đến nước Đại Lý, vậy nay nhà Tống đã lấy được đất Quảng, đất Việt nhưng liệu có sức đánh nổi Đại Cồ Việt ta chăng hay sẽ như mũi tên hết đà, không xé nổi mảnh lụa?
☘ 3. Phần cuối đoạn 2 và đoạn 3 là ví von nước ta như ngón tay, ngón chân của “trung quốc”, nào là cống chim trĩ, dựng cột đồng, ý tứ xem lãnh thổ nước ta thuộc về nhà Tống. Và câu cuối là “Cuối thời Đường nhiều hoạn nạn, chưa kịp xử trí”, xử trí như thế nào? Là sát nhập lại như nhà Đường hay cho quyền tự trị? Phần sau ắt rõ.
☘ 4. Phần thứ tư là lời dụ vua ta sang chầu, “lễ phân phong đã sắp đặt sẵn, chờ ngươi đến chúc sức khỏe ta”, “phải chém cờ bổ so làm cỏ nước ngươi, hối sao cho kịp” ( tức “tiệt phan đoạn tiết”, bổ đôi con so làm tin mà sai tướng đi đánh), lời lẻ vừa nhẹ nhàng mà cũng vừa cứng rắn, mang tính áp bức, chỉ có một con đường để chọn là sang chầu ở Biện Kinh (mà đã sang chầu ở kinh đô tức thì sẽ bị bắt hoặc phải nộp đất rồi ở lại Biện Kinh mà Tiền Thục và Trần Hồng Tiến là những dẫn chứng). Những lời phủ dụ bao gồm:
– Ta chẳng tham lam của cải nước ngươi, tuy nhiên chiếu chỉ đánh Đại Cồ Việt của nhà Tống ghi: “tuy đã phục tùng chịu làm phiên thuộc, nhưng cứ tu luyện binh lính, có ý quật cường. Lễ thờ phụng nước trên, lẽ nào như thế?” (An Nam chí lược). Vậy nghĩa là không muốn nước ta mạnh, mãi làm phiên thuộc để triều cống, chẳng những là tham lam vô độ mà còn là sự hẹp hòi, ít kỷ của một nước lớn.
– Đoạn tiếp sau là sự chê bai văn hóa nước ta, đề cao văn hóa họ, theo một mô típ xưa cũ y theo những lập luận kiểu thời Tần – Hán. Thư viết dân ta bay nhảy là điều phi lý. Thư viết dân ta uống mũi (uống rượu bằng mũi, Trần Nhật Duật từng học tục này để giao tiếp với dân Man) là không hiểu gì về tục nước ta. Thư viết dân ta bắt tóc còn dân học có mũ áo, nhưng từ đời Ngô vương Quyền nước ta đã ” đặt quan chức, chế triều nghi, định phục sắc” (Việt Nam sử lược). Thư viết dân ta nói tiếng chim, dân họ có Thi, Thư chắc bởi tiếng người Việt ta nói lảnh lót, hay như tiếng chim hót, chẳng những vậy Thi Thư nước ta cũng đã có bởi từ thời Sĩ Nhiếp, học hành đã được tổ chức có quy cách, những người như Lý Tiến, Lý Cầm, Khương Công Phụ, Khương Công Phục đã chứng minh cho sự học nước ta, mặc dù nhà Đinh chưa tổ chức thi cử. Thư viết đã có đúc vạc lớn để trấn ma quỷ, nhưng họ đâu biết rằng vua Đinh cũng đã làm việc này từ sớm. Thư viết trút quần áo cỏ lá mà mặc áo cổn, chắc chắn Lê Đại Hành không cần thứ áo cổn kia vì Thái hậu họ Dương đã khoác áo cổn cho ông ấy rồi.
Trên đây là những điều phi lý Vương Vũ Xứng viết, một bức thư dụ hàng mà có lẽ chỉ tham khảo các sách cổ, rồi theo lối từ chương sáo rỗng nhằm tỏ bày sự ngạo mạn, không hiểu gì về tình thế nước người. Một bức thư dụ hàng như vậy không có ý nghĩa gì ngoài việc chứng minh rằng nước lớn rất thích khoe mẽ và hù dọa.
Ảnh minh họa: Trang phục binh lính nhà Tống